Vào cuối tuần trước, hãng game Digital Homicide - nơi xuất xưởng ra nhiều tựa game bị đánh giá rất tiêu cực trên Steam đã tuyên bố họ sẽ kiện hàng trăm người dùng của Steam vì tội "xúc phạm danh dự, gây tổn thương nặng nề về mặt tâm lý" - nguyên văn những gì mà đại diện Digital Homicide nói vì những bình luận và nhận định không mấy hay ho mà họ đăng tải trong phần review của Steam.

Thật lố bịch là tất cả những chứng cứ mà Digital Homicide đưa ra chỉ là vài tấm hình screenshot chụp phần bình luận trên Steam, dù vậy yêu cầu kiện cáo của họ vẫn được một tòa án thuộc bang Arizona chấp thuận và bắt đầu xem xét. Chưa hết, hãng game indie này còn hung hãn tới mức liên hệ bộ phận hỗ trợ của Steam và yêu cầu họ phải tiết lộ danh tính của những khách hàng đã có bình luận không hay về những tựa game của họ.

 

Chưa hết, Jim Sterling - một game thủ kiêm nhà phê bình rất nổi tiếng trên YouTube cũng bị Digital Homicide khởi kiện với số chi phí bồi thường lên tới 10 triệu USD vì đã có những nhận xét tiêu cực về game do họ sản xuất. Ngày hôm nay, trên trang cá nhân của mình Jim Sterling đã cập nhật một dòng trạng thái mới cho biết số tiền nói trên đã leo thang lên tới... 15 triệu USD (tương đương 334,7 tỉ đồng).

Thế nhưng động thái mà Valve thực hiện sau đó lại hoàn toàn đứng về phía game thủ khi toàn bộ các sản phẩm của Digital Homicide đều đã bị gỡ bỏ khỏi Steam, đồng thời đại diện Valve cho biết họ sẽ không bao giờ cho phép hãng game này trở lại nữa vì có hành vi đe dọa tới người dùng. Những game thủ từng bỏ tiền ra mua hay bằng cách nào đó đã sở hữu game của Digital Homicide vẫn được phép giữ lại chúng trong thư viện game của mình.

Galactic Hitman - một trong những tựa game có đồ họa khá khẩm nhất của Digital Homicide những vẫn bị nhận xét là chán không thể tả.

Chưa hết, sau khi bị Steam quay lưng lại Digital Homicide đã quyết định kiện luôn cả Valve, cho rằng họ đã "không cung cấp được môi trường đủ lành mạnh để phát hành game", đồng thời quyết định bác bỏ khiếu nại của Digital Homicide vì có tính chất đe dọa tới người dùng Steam là không chính xác.

 

Bình luận về vấn đề này, nhiều game thủ phản ánh rằng game của Digital Homicide thực tế là những sản phẩm không hề có sự đầu tư chất xám nào. Họ thường mua các mô hình bán sẵn trong cộng đồng những người sử dụng engine Unity, nhồi nhét tất cả vào trong một thứ mà họ gọi là game nhưng thực chất chẳng khác nào mớ tạp nham không đầu không đuôi. Chính vì vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, hãng game này đã có thể tung ra tới hơn 50 tựa game khác nhau và tống hết chúng lên Steam Greenlight.

 

Theo Trí Thức Trẻ