Những ngày gần đây, anh Nguyễn Hoàng Việt (31 tuổi, ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) thường xuyên có mặt ở trang trại nuôi hươu của gia đình để cho chúng ăn và tất bật chăm sóc, bắt đầu vụ thu hoạch lộc nhung.

Việt được xem là một trong những người đầu tiên mở trang trai nuôi hươu ở miền Tây. Vốn là nhân viên văn phòng cho một công ty sữa ở TP.HCM, có mức lương tương đối cao, nhưng anh nghĩ không thể làm thuê mãi. Việt quyết tâm phải xây dựng gì cho riêng mình.

Anh Nguyễn Hoàng Việt, người tiên phong nuôi hươu lấy nhung ở miền Tây. 

Trong một lần đi công tác tại Hà Tĩnh, Việt tình cờ thấy mô hình nuôi hươu nên rất thích thú. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ tập tính, kỹ thuật nuôi,... anh thấy tại miền Tây có thể nuôi và phát triển con vật này.

Năm 2019, Việt chính thức xin nghỉ việc tại TP.HCM. Anh ra miền Trung mua 10 con hươu trưởng thành về nuôi, với số vốn ban đầu hơn 300 triệu đồng.

“Ngày ấy, khi thấy tôi có ý định nghỉ việc ở TP.HCM để mua hươu về nuôi, gia đình phản đối dữ lắm. Cha mẹ chỉ mong tôi làm công việc văn phòng, vì dính vào chăn nuôi rất cực. Chưa kể, hươu là vật nuôi còn rất xa lạ với người dân miền Tây, không biết nuôi có thành công không. Nhưng sau đó, thấy tôi quyết tâm nên mọi người cũng xuôi dần”, anh Việt kể.

Ban đầu, Việt cải tạo lại chuồng heo cũ của gia đình, dùng cây gỗ chặn thành các ô có kích thước khoảng 2m2 để nuôi hươu.

Đàn hươu trong trại của anh Việt. 

“Không phải là con nhà nòi, vốn kiến thức nuôi hươu ít, ban đầu tôi chọn cách vừa làm vừa tham khảo từ sách báo, tìm hiểu trên mạng và đến tận các trang trại ở miền Trung để học hỏi kinh nghiệm, ghi chép cẩn thận”, anh Việt nhớ lại thuở đầu khởi nghiệp. 

Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, chàng trai Tiền Giang đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi hươu. 

Nhờ áp dụng tốt kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, đàn hươu của Việt phát triển tốt, sau 8 tháng bắt đầu cho thu hoạch nhung. “Hươu đực bắt đầu cho nhung, còn hươu cái thì sinh sản. Đến nay, tổng đàn hươu của tôi là hơn 40 con. Ngoài ra, tôi còn cung cung cấp hươu giống cho nhiều người khác. Tính cả liên kết, tổng đàn lên tới hơn 100 con”, Việt chia sẻ. Sau đó, anh đã thành lập Hợp tác xã nhung hươu Tiến Vua.

Việt cho hay hươu con từ lúc nuôi đến phối giống mất khoảng 2 năm.

Để đàn hươu phát triển và hạn chế dịch bệnh, anh áp dụng mô hình tuần hoàn sinh học. Anh lót đệm phía dưới để chuồng trang trại hoàn toàn không có mùi hôi, giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm được chi phí dọn chuồng trại và sức lao động.

Hươu mẹ sinh sản trong trại của anh Việt. 

“Hươu đực phải nhốt từng chuồng riêng, tổng diện tích khoảng 4m2. Do nuôi hươu chủ yếu để lấy nhung nên trước khi thu hoạch khoảng 1-2 tháng, người nuôi cần bồi bổ thức ăn tinh để lộc nhung đạt chất lượng và trọng lượng cao, bán được giá”, Việt nói. Trung bình, mỗi con hươu lấy được hơn 0,5kg nhung.

Hiện tại, giá nhung hươu dao động từ 15-18 triệu đồng/kg. Theo anh Việt, giá hươu trưởng thành khoảng 50 triệu đồng/cặp, hươu con 30 triệu đồng/cặp. 

Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn hươu, Việt trồng cỏ trên 0,2ha đất và dùng máy xay nhuyễn ra cho chúng ăn.

Từ cơ sở nhỏ lẻ tại gia, đến nay, anh đã mở rộng cơ ngơi, lập cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm từ hươu sao như: nhung hươu ngâm mật ong, nhung hươu ngâm rượu, các sản phẩm cao hươu,...

Mỗi năm, trừ mọi chi phí, Việt thu về từ đàn hươu hơn 450 triệu đồng. Chàng trai này đang lên kế hoạch tiếp tục mở rộng trang trại, nâng tổng số lượng hươu lên vài trăm con.