- Mấy ngày qua, tôi cảm thấy bức xúc trước tâm sự của một số nàng dâu về chuyện phải trả tiền cho mẹ chồng ra trông con. Quả thực, tôi cũng định không lên tiếng nhưng những gì các cô con dâu trẻ nói quá ích kỷ và phiến diện.
Cả cuộc đời chúng tôi hi sinh để nuôi dưỡng, dạy dỗ các con nên người. Những cực nhọc mà chúng tôi trải qua dù có nói cũng ít người có thể thấu hiểu được. Tất nhiên tôi cũng chẳng muốn kể công.
Bởi cha mẹ nuôi con không bao giờ tính tháng, tính ngày. Người xưa có câu: “Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”. Có lẽ tôi không cần phải nói thì mọi người cũng hiểu được nỗi lòng của một người mẹ dành cho con.
Tôi đã hi sinh cả thời thanh xuân của mình cho con. Con tôi có công việc ổn định, có sự nghiệp vững vàng là biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của chúng tôi đã đổ xuống. Nhưng chúng tôi hạnh phúc vì làm được điều đó.
Con trưởng thành là lúc chúng tôi có thời gian dành cho mình. Khi tuổi đã xế chiều, vợ chồng được dành thời gian cho nhau. Vợ chồng tuổi già được ở gần nhau, chăm sóc nhau những lúc trái gió trở trời là hạnh phúc. Tại sao các con lại muốn cướp đi thời gian hạnh phúc của chúng tôi bằng cách bắt tôi đi chăm cháu?
Cả cuộc đời đầu tắt mặt tối, làm lụng vất vả nuôi con nên người. Khi con lớn tôi phải chăm cháu thì có phải các anh, các chị ích kỷ quá không? Tại sao không nghĩ rằng chúng tôi cũng cần thời gian để nghỉ ngơi, cần thời gian để thăm thú nơi này, nơi kia cho bõ công những ngày vất vả?
Lúc này tôi còn đi được, đợi vài tuổi nữa, khi cháu đã lớn thì cũng là lúc mắt mờ chân chậm, còn đi được đến đâu? Chẳng lẽ, chúng tôi cứ phải hi sinh cuộc đời mình vì con nay lại vì cháu?
Hơn thế, tôi gắn bó hơn nửa đời người với bà con chòm xóm, với họ hàng ruột thịt. Những lúc tối lửa tắt đèn, những khi nông nhàn cùng nhau chia sẻ ngọt bùi. Giờ đây phải đi đến một nơi hoàn toàn xa lạ, suốt ngày tự nhốt mình trong bốn bức tường và xa lánh bạn bè chòm xóm, xa cách gia đình họ hàng.
Những công to việc lớn thì chỉ có vào chủ nhật mới được về không thì đành “khất”. Thử hỏi, như thế khác gì chúng tôi thành “tù giam lỏng”.
Nếu chỉ vì mấy đồng bạc lẻ các nàng dâu “biếu” về ăn cỗ, đi tàu xe có đáng để tôi hi sinh nhiều đến thế? Tất nhiên là không rồi. Tôi chấp nhận đi chăm cháu cũng có nghĩa là tôi đã chấp nhận hi sinh rất nhiều thứ. Tại sao các nàng dâu không nhìn vào điều đó để trân trọng và biết ơn chúng tôi hơn?
Đánh đổi quãng thời gian quý báu còn lại của mình để được nàng dâu “hầu hạ” kiểu nấu cho bữa ăn sáng hoặc (họa hoằn lắm) bữa ăn tối liệu có đáng không?
Còn nhắc đến chuyện “trả công” cho mẹ chồng ra trông cháu làm tôi đau lòng. Tôi đâu có đi làm thuê mà cần trả công? Chẳng lẽ, bố mẹ thiếu thốn cái máy giặt, nhà cửa xuống cấp cần được sửa chữa mà các con không cần phải có trách nhiệm gì sao? Chẳng lẽ những gì tôi đã hi sinh cho con không xứng đáng để các con đền đáp?
Trước khi nghĩ đến chuyện bắt mẹ chồng ra chăm con cho mình, các con nên đứng trên cương vị của cha mẹ để nhìn nhận và quyết định.
Đừng vì sự ích kỷ của mình mà bắt cha mẹ phải hi sinh quá nhiều. Chẳng nàng dâu nào thích sống với mẹ chồng. Thời nay, cũng chẳng có mẹ chồng nào thích ở với con dâu cả.
Biết nghĩ đến người khác, chúng ta mới có thể sống tốt được. Đừng biến mẹ chồng thành “tù giam lỏng” để lại ỉ eo rằng phải mất tiền, mất của vì mẹ chồng trông cháu nữa.
Cô gái có số sát phu khiến mẹ chồng khó tính thay đổi quan điểm
Với cách ứng xử thông minh, cô gái từng bị mẹ chồng tương lai từ chối vì số sát phu đã có màn đảo ngược tình thế khiến giám khảo thích thú.
Vũ Thị Bảy (Thái Bình)