Chiều 31/8, TAND thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tiếp tục phần tranh luận tại phiên xét xử đối với bị cáo Lê Thái Thiện (tên gọi khác Thiện “Soi”, 58 tuổi) và Lê Thái Phong (31 tuổi, là con trai Thiện), cùng trú xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sựRửa tiền.

Mở đầu phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị hại là ông Lưu Ngọc Tư nêu quan điểm đồng ý với cáo trạng truy tố đối với 2 bị cáo của VKS và trình bày làm rõ một số nội dung bảng đối chiếu quá trình cho vay - trả nợ giữa bị hại và bị cáo.

Vì lý do sức khoẻ, bị cáo Thiện được HĐXX cho được ngồi trả lời trong phiên toà chiều nay (31/8). Ảnh: Quang Hưng

Về tài sản là đất và nhà đã gán nợ thông qua các giao dịch đã ký kết, luật sư cùng bị hại đề nghị tuyên vô hiệu các hợp đồng giao dịch, chuyển nhượng liên quan 4 thửa đất, tài sản gắn liền đất đã cấn nợ cho bị cáo. Bởi theo luật sư, việc giao dịch, chuyển nhượng trên là từ hoạt động cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính chứ không phải do bị hại tự nguyện.

Trình bày thêm về số tiền vay nợ và lãi suất trả, bà Trang (vợ ông Tư) cho biết, từ năm 2017 đến 2018, hai vợ chồng đã nhiều lần vay của bị cáo Thiện với tổng số tiền 39 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được bị cáo Thiện lập thành 2 hợp đồng, trong đó 20 tỷ đồng tính lãi suất 3.000 đồng/1triệu/ngày, còn 19 tỷ đồng được tính theo lãi suất 3.500 đồng/1triệu/ngày. Sau 10 ngày, cộng dồn tiền gốc và lãi để lập lại hợp đồng mới theo cách tính như trên.

Tính đến năm 2018, tổng số tiền ông Tư vay còn nợ bị cáo Thiện là hơn 42 tỷ đồng. Ông Tư cũng thừa nhận có sai sót khi khi ký xác nhận số tiền vay nợ bị cáo Thiện không phải là hơn 68 tỷ đồng, như tại cơ quan điều tra.

Trình bày trước HĐXX, vợ chồng ông Tư nêu nguyện vọng được xem xét cho nhận lại 4 thửa đất và tài sản trên đất đã cấn nợ cho bị cáo Thiện và chấp nhận trả lại số tiền đang nợ cho bị cáo, sau khi toà tuyên.

Diễn biến tại phiên toà, luật sư bào chữa cho bị hại Nguyễn Văn Xuyến và bị hại cũng đề nghị HĐXX xem xét, giải quyết tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng đất và trả lại các tài sản mà ông Xuyến đã đã cấn nợ cho bị cáo thiện, trong quá trình vay nợ.

Phiên toà sẽ tiếp tục phần tranh luận vào sáng thứ 3 ngày 5/9.

Bị cáo Thiện “Soi” bị đề nghị mức án từ 14-16 năm tù

Trước đó, đại diện VKS đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội đối với bị cáo Thiện “Soi” và con trai là bị cáo Lê Thái Phong. 

Cụ thể, bị cáo Thiện bị đề nghị mức án từ 12 - 13 năm tù về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và 2 - 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng mức án bị đề nghị từ 14-16 năm tù.

Bị cáo Lê Thái Phong bị đề nghị mức án từ 10 - 12 năm tù về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và 1 năm 6 tháng - 2 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng mức án bị đề nghị từ 11 năm 6 tháng - 14 năm tù.

Cha con bị cáo Thiện "Soi" tại toà. Ảnh: Quang Hưng

Theo quan điểm của đại diện VKS, các bị cáo lợi dụng sự thiếu hụt vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh, khó khăn của người khác để cho vay tiền với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính, dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất “bóc lột”. 

Trong quá trình cho vay lãi nặng, khi những người nợ không có khả năng trả gốc và lãi phát sinh, bị cáo Thiện buộc họ chuyển nhượng nhà, đất bằng các giao dịch hợp pháp thông qua sự giúp đỡ của bị cáo Phong.

Trong đó, Phong là người nhận ủy quyền tài sản từ người vay tiền để đảm bảo khoản vay, nhận tiền trả nợ. Sau khi buộc người vay chuyển nhượng tài sản để cấn trừ, trong đó có cả tiền thu lợi bất chính. 

Sau đó, bị cáo Thiện lại chỉ đạo Phong chuyển nhượng lại cho hai người con khác nhằm mục đích che giấu bản chất thực sự của các khoản tiền do phạm tội mà có.

Hành vi của các bị cáo thể hiện trên bảng sao kê ngân hàng, tin nhắn điện thoại, hợp đồng và các file ghi âm giữa bị cáo và bị hại. 

Đại diện VKS nhận định, bị cáo Thiện giữ vai trò chính trong vụ án, cho đến năm 2018 mới nhờ Phong giúp đỡ khi sức khỏe yếu. Ngoài ra, bản thân bị cáo Phong còn trực tiếp cho 23 người vay nặng lãi, thu lợi gần 580 triệu đồng.