Mới đây, ICTnews đã nhận được đơn thư của anh Nguyễn Anh Dũng ở Cù Chính Lan, Hà Nội phản ánh việc anh bị hack thẻ tín dụng mất số tiền là 18 triệu đồng từ tháng 5/2013 tới nay, nhưng không được ngân hàng VPBank đưa ra hướng giải quyết rủi ro.
Số tiền bị kẻ gian lấy mất chuyển thành nợ quá hạn và bị tính lãi suất cao tới 38%/năm, lãi mẹ đẻ lãi con, tính đến hết tháng 1/2019 số nợ đã lên đến 105 triệu đồng. Hai vợ chồng anh liên tục bị một công ty đòi nợ khủng bố điện thoại, tin nhắn tới mức vợ anh đòi ly hôn vì không chịu nổi áp lực. Cùng với việc gửi đơn lên ICTnews, anh Dũng còn cung cấp sao kê từ năm 2014 tới này và các văn bản đòi nợ do công ty đòi nợ gửi đến cho anh trong thời gian gần đây.
Cụ thể, trong đơn anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, tháng 4/2013 anh ký hợp đồng mở thẻ tín dụng MC2 credit với ngân hàng VPBank với hạn mức tối đa là 25 triệu đồng. Anh Dũng có sử dụng 3 lần rút tiền mặt mỗi lần 2 triệu đồng tại cây ATM chi nhánh VBBank Vương Thừa Vũ, tổng cộng là 6 triệu đồng vào ngày 22/5/2013. Sau đó anh bị kẻ gian giả mạo thẻ tín dụng để rút trộm tiền hai lần, lần 1 là 10 triệu tại hệ thống Retail VNM HA NOI NGUYEN KIM THU vào 26/5/2013 và lần 2 là 8 triệu cũng tại hệ thống Retail VNM HA NOI NGUYEN KIM THU vào 7/6/2013.
Ngay sau khi phát hiện bị mất tiền lần 1 anh Dũng đã liên hệ qua hệ thống tổng đài hotline của VPBank để thông báo về việc bị mất tiền trong thẻ, nhưng sau đó mấy ngày vẫn tiếp tục bị lấy trộm lần 2. Sau đó anh Dũng tới Chi nhánh VPBank Vương Thừa Vũ trình bày về việc bị hack mất tiền ở tài khoản thẻ tín dụng và yêu cầu VPBank khóa thẻ và tạm ngừng việc tính lãi suất trong thời gian chờ xử lý rủi ro thẻ của anh. Trong thời gian đó anh liên tục gọi điện lên tổng đài đề nghị xử lý khoản tiền bị mất trộm.
Thế nhưng, VPBank không hề giải quyết việc tài khoản bị mất tiền 2 lần với tổng số tiền 18 triệu đồng, mà vẫn tiếp tục tính lãi trong 3 kỳ sao kê tiếp theo là tháng 7, tháng 8, tháng 9 năm 2013, mỗi tháng tính lãi 500.000-600.000 đồng. Anh Dũng đã khiếu nại lên tổng đài không chấp nhận việc tính lãi trong tình trạng chờ xử lý rủi ro và yêu cầu VPBank ngừng tính lãi cho đến khi giải quyết dứt điểm vụ việc. VP Bank đã tạm dừng tính lãi với số âm 27 triệu đồng theo sao kê từ 18/4/2013 tới hết 31/12/2014, sau đó VPBank gia hạn dừng tính lãi từ 1/1/2015 tới hết 31/12/2015. Từ khi phát sinh tiền bị mất, VPBank không ra bất cứ một thông báo, phản hồi nào về việc xử lý thu hồi số tiền bị mất trong tài khoản thẻ tín dụng, cũng như phương án xử lý rủi ro. Do không nhận được thông báo hay sao kê nào trong suốt thời gian này nên anh Dũng nghĩ rằng VPBank đã tạm dừng để xử lý nên anh tiếp tục đợi câu trả lời từ phía VPBank.
Thông báo nợ của Công ty Hải Nam gửi tới anh Dũng tính đến 1/1/2019 đã lên tới hơn 95 triệu đồng. |
Sao kê thể hiện mức lãi suất thông thường lên tới 38%/năm. |
Cho tới tháng 10/2018 anh Dũng bất ngờ nhận được email, điện thoại, tin nhắn của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thu hồi nợ Hải Nam (Công ty Hải Nam) yêu cầu phải thanh toán số tiền là 89.784.059 đồng theo hợp đồng nợ quá hạn mà anh Dũng ký với VPBank.
Sau đó bên Công ty Hải Nam liên tục khủng bố tinh thần bằng hình thức gọi tự động, gọi trực tiếp vào số máy di động của anh rất nhiều lần. Anh Dũng yêu cầu phía Công ty Hải Nam phải cung cấp giấy tờ Ủy quyền hợp pháp của VPBank thì anh mới làm việc với Hải Nam nhưng họ không hề gửi giấy tờ ủy quyền mà vẫn tiếp tục gọi điện, khủng bố tinh thần bằng điện thoại. Điều đáng nói là vào thời điểm năm 2013 khi mở thẻ tín dụng và phát sinh mất tiền trong thẻ anh Dũng chưa lấy vợ. Cho tới thời điểm tháng 10/2018 anh Dũng vừa mới lập gia đình, không chỉ gọi điện đòi nợ anh Dũng mà công ty Hải Nam còn gọi điện cho vợ anh Dũng để đòi nợ.
“Vợ tôi không hề liên quan tới hợp đồng của tôi với VPBank vì ở thời điểm xác lập hợp đồng tôi vẫn độc thân. Công ty Hải Nam không có quyền gọi điện quấy rối, khủng bố tinh thần của vợ tôi. Hậu quả xảy ra làm vợ tôi bị tổn thương tinh thần, trầm cảm, chấn động tâm lý dẫn tới cô ấy yêu cầu ly hôn, suýt nữa thì tan vỡ”, anh Dũng cho hay.
Sau khi bị Công ty Hải Nam đòi nợ, anh Dũng đã 5-6 lần ra chi nhánh Vương Thừa Vũ và chi nhánh Cầu Giấy đề nghị Ngân hàng VPBank có phương án giải quyết dứt điểm nhưng không nhận được câu trả lời. Gia đình anh Dũng tiếp tục chịu cảnh bị đòi nợ hàng ngày.
“Số nợ nhân lên từng ngày, với mức lãi suất 38%/năm, mỗi tháng bị cộng thêm 3-4 triệu đồng, tính đến tháng 1/2019 đã lên tới 105 triệu đồng. Tôi không đồng ý việc VPBank tự ý tính lãi khoản tiền đang tạm chờ xử lý rủi ro. Việc VPBank ủy quyền cho bên công ty khác thu hồi nợ mà không thông báo bằng văn bản cho tôi cũng không đúng quy định của pháp luật”, anh Dũng bức xúc nói.
Ngày 14/2/2019, ICTnews đã chuyển đơn của anh Nguyễn Anh Dũng tới Giám đốc Truyền thông và Tiếp thị của VPBank và được phúc đáp qua email là sẽ cho kiểm tra trường hợp này, trả lời ICTnews sau khi có kết quả. Vào tối ngày 14/2/2019, anh Dũng thông tin cho ICTnews biết, phía VPBank mới gọi điện mời anh đến để đưa ra hướng giải quyết trong tuần sau.
ICTnews sẽ thông tin tới độc giả sau khi nhận được phản hồi chính thức của VPBank.