Câu chuyện về một cặp vợ chồng ở tuổi xế chiều bị con ruột đuổi ra khỏi nhà cùng cỗ quan tài đã làm dư luận những ngày qua không khỏi bức xúc. Tuy nhiên, những người con trong câu chuyện này lại khẳng định rằng, sự việc trên hoàn toàn sai sự thật.

TIN BÀI KHÁC

Bi kịch lúc “hoàng hôn cuộc đời”

Cặp vợ chồng già 8 năm nay bị con cái đẩy ra đường trong câu chuyện trên là cụ Nguyễn Văn Quý (84 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Chén (82 tuổi), trú tại xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Theo báo Pháp luật & Thời đại, ông Quý và bà Chén quen nhau cách đây 60 năm trong một lần đi làm thuê ở miền sơn cước, rồi nên duyên vợ chồng. Họ lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng, rồi bảy đứa con, gồm ba trai, bốn gái lần lượt chào đời trong cảnh khốn khó.

Để kiếm miếng cơm manh áo nuôi con, ông phải đi làm thuê làm mướn, còn bà thì “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” trên mấy thửa ruộng.

Mặc dù vậy, ông bà vẫn lo cho ba người con trai mỗi anh một dinh cơ khi lấy vợ. Thậm chí, khi người con trai thứ ba của ông bà lấy vợ xây nhà, anh này xui ông bà bán đất ở vùng kinh tế mới để lấy tiền xây nhà cho mình, ông bà cũng nghe theo.

Ông Quý và bi kịch bị con, cháu đuổi ra khỏi nhà (Ảnh: Pháp luật & thời đại)

Sau khi dồn hết tiền làm nhà cho anh con trai thứ ba, hai cụ về ở với người con trai cả. Tuy nhiên, đền đáp lại công ơn cha mẹ lại là những lời nói khó nghe, những hành vi bất hiếu.

Người con cả đã bực tức vì: “Bao nhiêu tiền cho thằng thứ ba hết, tôi không được gì”, nên đã hắt hủi cha mẹ già, dù chính anh ta thừa hưởng mảnh đất trước đó cha mẹ cho.

Sau này, tài sản cuối cùng của ông bà là một sào ruộng để cấy lúa cũng bị người con này chiếm đoạt. Sống với người con cả, vợ chồng cụ phải làm như người đi ở và cũng chẳng bao lâu sau, vợ chồng già này cũng phải dứt áo ra đi vì bị chính con đẻ đuổi ra khỏi nhà.

Vợ chồng ông Quý, bà Chén đành lẳng lặng ôm quần áo tìm đến nhờ vả anh con trai thứ ba nhưng cũng năm lần bảy lượt bị con đuổi đi.

Sau khi bị đẩy ra đường, người con thứ hai đón ông bà lên ở cùng nhưng cũng chỉ được vài hôm vì những lời nói móc máy của cô con dâu, họ cũng phải ra đi.

Ba cô con gái của ông Quý cũng không khá gì hơn, lấy chồng xa thì kinh tế khá giả, nhưng chẳng đoái hoài gì đến bố mẹ. Chỉ có cô út lấy chồng ở làng thì nghèo khó, lực bất tòng tâm, không giúp gì được cho bố mẹ.

Không còn nơi nương tựa, đôi vợ chồng già đành dắt díu nhau vào ở nhờ nhà chùa. Cụ bà ốm đau liên miên nên mình ông lão thì ngày ngày đi mò cua bắt ốc kiếm kế sinh nhai.

Thương cảm với bi kịch của họ, những người làng tốt tính đã gom góp ít gạo, cái bát, manh chiếu… để các cụ sống nốt những ngày cuối đời. Tính ra, đến Tết năm nay là cái Tết thứ 8 hai vợ chồng khốn khổ trên chịu cảnh không nơi nương tựa…

Không chịu được khổ nên ông bà đã bỏ đi ?

Câu chuyện trái khoáy này xảy ra giữa thủ đô Hà Nội làm nhiều người không khỏi bất ngờ. Hầu hết những ý kiến phải hồi của bạn đọc đều tỏ ra thương cảm cho đôi vợ chồng già và bức xúc trước sự vô lương tâm của những người con.

Tuy nhiên cũng không ít độc giả cảm thấy hoài nghi: Tại sao câu chuyện đã xảy ra gần chục năm trời mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ chính quyền địa phương? Và lý do nào khiến cho cả 6 người con của ông Quý đều quay lưng lại với ơn sinh thành, giáo dưỡng của bố mẹ?

Trên báo Pháp luật Việt Nam, chị Nguyễn Thị Thoa, con gái út của ông bà cũng thừa nhận câu chuyện trên là có thật. “Trước kia khi anh tôi kề dao vào cổ bố dọa chém, chính quyền và dân quân có đến bắt anh viết giấy cam đoan không được hành hung bố mẹ nữa nhưng chỉ hôm trước hôm sau lại đâu vào đấy”, người đàn bà này cho biết. Chị Thoa cho rằng, đó là những con người bạc bẽo và bất hiếu.

Tuy nhiên, trên báo GDVN, anh Nguyễn Văn Đạt, 1 trong số 3 người con trai của ông Quý, phủ nhận hoàn toàn câu chuyện trên. Anh này cho biết, lúc mới trưởng thành, anh đã đi làm ăn xa rồi lấy vợ ở Hòa Bình. Khi trở về, thì đã nghe dân làng đồn rằng anh Nguyễn Văn Trượng (anh trai cả trong nhà) đánh đuổi bố mẹ. Lúc đó anh đón bố mẹ về nuôi nên không có chuyện anh đánh, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà.

Về thông tin anh đã “dụ” bố mẹ bán mảnh đất ở vùng kinh tế mới, lấy tiền mua mảnh đất hiện tại, người đàn ông này đã phủ nhận.

Anh cũng lý giải trên báo GDVN: “Sau khi mua đất làm nhà, vợ chồng anh rất túng thiếu, mọi sinh hoạt trong gia đình rất kham khổ, bó buộc. Chính vì không chịu được khổ nên ông bà đã chuyển ra ngoài ở. Bản thân anh cảm thấy không làm gì hổ thẹn với các đấng sinh thành”.

Nhiều độc giả cũng suy luận, nguyên nhân của thảm cảnh trên có thể bắt nguồn từ lỗi của cả hai phía. Nhưng cuối cùng, các ý kiến đều đồng tình rằng, không thể có lý do nào để biện minh, tha thứ cho tội bất hiếu của 7 người con này.

Không hiểu 2 cụ già có làm gì không phải với chúng không, nhưng dù bố mẹ có làm điều gì sai trái thì phận làm con không bao giờ được phép đối xử bất hiếu với cha mẹ”, độc giả Lan Nga chia sẻ.

Bà Châu Thị Ba sống bơ vơ, lang thang qua ngày.
 

Điều đáng buồn là trước đó, tại nhiều làng quê cũng đã xảy ra những câu chuyện đau lòng tương tự. Trên đường Bời Lời thuộc địa phận xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, Tây Ninh hiện nay thường có một cụ bà hơn 80 tuổi đi lang thang vơ vất.

Ai thương tình thì cho bà chén cơm, miếng bánh. Có hôm được người ta cho ăn uống nhưng cũng có hôm bà nằm co chịu đói.

Bà cụ này tên là Châu Thị Ba (83 tuổi) đã từng mang nặng đẻ đau 10 đứa con. Các con bà cuộc sống không đến nỗi khó khăn nhưng vì lý do này, lý do khác không ai chịu nuôi mẹ mà để bà cụ sống cảnh lang thang.

Lê Minh (Tổng hợp)