Toni Morrison là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất đến nền văn học Mỹ đương đại. Bà để lại dấu ấn không chỉ qua lối kể chuyện sâu sắc mà còn qua sự kiên cường trước nghịch cảnh.
Toni Morrison, tên khai sinh Chloe Ardelia Wofford, là con thứ hai trong số 4 người con xuất thân từ một gia đình da đen thuộc tầng lớp lao động ở thành phố Lorain, bang Ohio (Mỹ).
Khi bà còn nhỏ, một nhóm người Da trắng đã hành hình 2 doanh nhân người Mỹ gốc Phi sống trên phố của bà. Bị tổn thương bởi trải nghiệm phân biệt chủng tộc, trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Morrison cho biết cha bà ghét người da trắng đến mức không cho họ vào nhà.
Khi Morrison 2 tuổi, chủ nhà của gia đình bà đã đốt ngôi nhà nơi họ sống vì bố mẹ bà không thể trả tiền thuê nhà. Gia đình bà chỉ “cười thay vì rơi vào tuyệt vọng”.
Cha mẹ của Morrison đã truyền cho bà ý thức về di sản và ngôn ngữ thông qua việc kể những câu chuyện dân gian truyền thống của người Mỹ gốc Phi, những câu chuyện ma và những bài hát. Bà thường xuyên đọc sách khi còn nhỏ.
Năm 1949, bà theo học tại Đại học Howard ở thủ đô Washington, D.C. Khi ở Howard, bà đối mặt với tình trạng phân biệt chủng tộc nặng nề ở trong những quán ăn và trên xe buýt.
Morrison tốt nghiệp năm 1953 với chuyên ngành tiếng Anh và tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ Nghệ thuật vào năm 1955 tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York.
Bà dạy tiếng Anh tại Đại học Texas Southern ở Houston từ năm 1955 đến năm 1957 và sau đó tại Đại học Howard trong 7 năm tiếp theo.
Hành trình đi đến đỉnh cao sự nghiệp văn học của Morrison cũng được đánh dấu bằng những thử thách. Là một nhà văn và biên tập viên trẻ, bà đã phải đối mặt với những trở ngại trong việc được công nhận và xuất bản tác phẩm của mình. Cuốn tiểu thuyết đầu tay, "The Bluest Eye" (Đôi mắt xanh nhất), ban đầu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một nhà xuất bản, chủ yếu xuất phát từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa da màu.
Tuy nhiên, quyết tâm và niềm tin vững chắc của Morrison vào sức mạnh trong câu chuyện bà muốn truyền tải cuối cùng cuối cùng được đền đáp vào năm 1970, đánh dấu sự khởi đầu sự nghiệp văn học lừng lẫy của bà.
Năm 1958, Morrison kết hôn với Harold Morrison và có với nhau 2 con trai. Tuy nhiên, 6 năm sau, họ ly hôn. Trong các cuộc phỏng vấn, Morrison hiếm khi nói về cuộc hôn nhân, mặc dù bà tiết lộ rằng chồng muốn có một người vợ theo phong cách truyền thống của những năm 1950 và điều đó, bà không bao giờ có thể thực hiện, theo The New York Times.
Năm 1965, Morrison bắt đầu làm biên tập viên rồi gia nhập NXB Random House. Bà trở thành biên tập viên cấp cao phụ nữ da đen đầu tiên trong bộ phận tiểu thuyết.
Với tư cách đó, Morrison đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa văn học của người Da đen trở thành xu hướng chính thống.
Toni Morrison là một trong những tác giả Mỹ hiếm hoi có sách thành công cả về mặt phê bình lẫn thương mại. Tiểu thuyết của bà thường xuyên xuất hiện trong danh sách bán chạy nhất của New York Times. Là giảng viên lâu năm tại ĐH Princeton, bà Morrison giảng dạy rộng rãi và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình.
Năm 1993, chồng cũ của bà mất nhưng tình cảm vẫn còn. Tác động của sự mất mát này còn vang vọng trong phần đời còn lại và trong sáng tác của Morrison. Các chủ đề về tình yêu, sự mất mát và ký ức đã được dệt nên một cách sâu sắc trong nhiều tiểu thuyết của bà.
Cùng năm, bà trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên được vinh danh giải Nobel Văn học. Quỹ Nobel ca ngợi bà là một trong những nhà văn viết “những cuốn tiểu thuyết có tầm nhìn xa trông rộng và ý nghĩa thơ ca, mang lại sức sống cho một khía cạnh thiết yếu của hiện thực Mỹ”.
Bà cũng được trao tặng danh hiệu dân sự cao nhất của Mỹ- Huân chương Tự do của Tổng thống vào năm 2012, theo NBC News.
Năm 2019, Toni Morrison qua đời ở tuổi 88. Trong một tuyên bố được đưa ra bởi Đại học Princeton, nơi bà giảng dạy, trường gọi bà là “người mẹ và người bà yêu quý của chúng tôi”.
"Là một nhà văn tài năng, trân trọng con chữ, dù là của chính bà, của học trò hay của người khác, bà đọc rất say mê. Mặc dù sự ra đi của bà là một mất mát to lớn nhưng chúng tôi rất biết ơn vì bà đã có một cuộc đời dài và tốt đẹp".
Tử Huy