Câu chuyện về anh em nhà Wright, Orville Wright và Wilbur Wright là minh chứng cho sự quyết tâm, khéo léo và không ngừng theo đuổi ước mơ.
Thông qua những nỗ lực không mệt mỏi, họ đã thay đổi tiến trình lịch sử, từ khởi đầu khiêm tốn cho đến chuyến bay đánh dấu sự ra đời của ngành hàng không hiện đại.
Chuyến bay lịch sử mở đầu ngành hàng không thế giới
Orville và Wilbur Wright sinh vào cuối thế kỷ 19 ở thành phố Dayton, bang Ohio (Mỹ). Ngay từ khi còn nhỏ, hai anh em đã thể hiện niềm đam mê với các thiết bị cơ khí và tò mò về những thuật ngữ liên quan đến bay. Lấy cảm hứng từ công việc của những người tiên phong trong ngành hàng không, họ đã đào sâu nghiên cứu sâu rộng các nguyên tắc khí động học và điều khiển chuyến bay.
Anh em nhà Wright nhận ra rằng chuyến bay thành công không chỉ cần một phương tiện đẩy mà còn cần một hệ thống điều khiển đáng tin cậy. Họ đã tiến hành vô số thí nghiệm, chế tạo và thử nghiệm các thiết kế máy bay khác nhau.
Thông qua thử nghiệm nghiêm ngặt, họ đã phát triển một số đổi mới quan trọng, trong đó là cải tiến uốn cong cánh- một phương pháp đạt được sự kiểm soát hai bên bằng cách uốn cong cánh. Bước đột phá này cho phép phi công duy trì sự cân bằng và ổn định trong suốt chuyến bay.
Ngoài ra, hai anh em đã thiết kế và chế tạo động cơ nhẹ riêng. Động cơ 4 xi-lanh 12 mã lực của họ cung cấp lực đẩy cần thiết để đẩy máy bay cất cánh. Họ cũng phát triển các cánh quạt bằng gỗ, được chạm khắc với độ chính xác và giúp chuyển đổi sức mạnh của động cơ thành chuyển động tịnh tiến một cách hiệu quả.
Vào lúc 10h30 ngày 17/12/1903, gần làng chài Kitty Hawk (bang North Carolina, Mỹ), Orville Wright lái chiếc Wright Flyer, trở thành phi công đầu tiên trên thế giới với chuyến bay lịch sử kéo dài vỏn vẹn 12 giây, vượt 91,44 mét.
Khoảng trưa ngày hôm đó, một trong số ít nhân chứng, Johnny Moore, chạy xuống bãi biển và hét lên: ''Họ làm được rồi, họ đã làm được!'', theo The New York Times.
Trong ngày đó, anh em Wright tiến hành thêm 3 chuyến bay nữa và lần dài nhất kéo dài 57 giây, bay xa hơn nửa dặm. Đây là những chuyến bay có động cơ được điều khiển đầu tiên trong lịch sử hàng không thế giới.
Bi kịch không được công nhận
Sau thành công của chuyến bay, anh em nhà Wright gửi điện tín đến tờ báo địa phương và nhận được câu trả lời: “57 giây? Nếu là 57 phút thì còn có chuyện để mà bàn!”. Dù vậy, chuyến bay cũng xuất hiện ở mục chuyện vặt đó đây. Báo chí Mỹ lạnh nhạt, nhiều người thậm chí không tin.
Tháng 5/1905, nhà Wright mời phóng viên đến buổi thử nghiệm mô hình máy bay tại Huffman Praire gần thành phố Dayton (bang Ohio, Mỹ) nhưng kết quả thất bại. Tờ New York Herald chỉ trích: “Anh em Wright đã thật sự bay hoặc chưa hề bay... Họ là phi công thực thụ hoặc đơn giản là lũ bốc phét. Bay là chuyện rất khó chứ không dễ như cách họ nói”.
Không bỏ cuộc, mùa hè năm 1908, anh em Wright thông báo hai cuộc thử nghiệm tại Mỹ và Pháp. Ngày 5/8/1908, trước sự chứng kiến của nhiều người Pháp, hai anh em đã luân phiên lái 9 lần với các vòng lượn rộng và biểu diễn kỹ năng điều khiển máy bay. Chuyến bay tại Mỹ cũng diễn ra thành công. Anh em nhà Wright cuối cùng cũng được ghi nhận.
Tuy nhiên, ngày 17/9/1908, khi cất cánh cùng trung uý người Mỹ Thomas Selfridge, người em Orville Wright thực hiện 3 cú đánh vòng và máy bay bất ngờ rơi. Orville bị thương nặng, còn một người khác tử vong.
Ngày 30/5/1912, người anh Wilbur Wright qua đời bởi bệnh thương hàn khi mới 45 tuổi. Người em Orville một mình điều hành công ty Wright. Hàng không bắt đầu trở thành ngành công nghiệp đầy triển vọng nhưng đó cũng là lúc Orville dính vào nhiều vụ kiện liên quan đến việc bản quyền của anh em ông bị đánh cắp tại châu Âu. Mệt mỏi, Orville Wright từ bỏ vị trí chủ tịch và qua đời ở tuổi 77.
Tuy trải qua nhiều khó khăn và bi kịch, những thành tựu và đóng góp của anh em nhà Wright vẫn tiếp tục định hình thế giới hàng không, truyền cảm hứng cho các thế hệ phi công và để lại dấu ấn mang tính bước ngoặt trong lịch sử khám phá không ngừng của loài người.
Tử Huy