Một người phụ nữ luống tuổi, trông quý phái, bất chấp giá lạnh đi hết nhà tù này đến nhà tù khác ở thủ đô Berlin để xin được gửi gói quà Giáng sinh cho con trai là Thượng uý không quân Harr Shulz Boizen – người chỉ huy lưới điệp báo “Dàn nhạc đỏ”.
Chỗ nào người ta cũng lạnh lùng từ chối, và cuối cùng người mẹ tội nghiệp phải tìm đến gặp Tổng chưởng lí Malphred Rayder, một tay chân trung thành của Hitler. Sau khi bắt bà chờ mấy tiếng đồng hồ, Rayder mới cho bà vào và lạnh lùng thông báo: “Con trai bà đã bị treo cổ hôm qua theo lệnh của Quốc trưởng, như vậy gói quà của bà không cần nữa”.
Thực ra, tại phiên xét xử kết thúc ngày 19/12/1942, toà chỉ kết án tù giam dài hạn đối với những nhà lãnh đạo chủ chốt của “Dàn nhạc”. Tuy nhiên, khi bản án được trình lên Hitler thì “Quốc trưởng” yêu cầu xét xử lại, vì theo y như thế là quá nhẹ.
Thế là tất cả những người lãnh đạo “Dàn nhạc” đều bị án tử hình, trong đó 4 người gồm Boizen, Hannak, Koppy và Kuchov theo yêu cầu của Hitler phải chịu hành hình bằng treo cổ.
Tem vinh danh “Dàn nhạc đỏ”. Ảnh: Wikipedia |
Từ 24/12 đến ngày 6/1 là dịp lễ Giáng sinh và mừng Năm mới. Theo truyền thống, vào dịp này người ta không thi hành án tử hình. Tuy nhiên, Hitler không chấp nhận việc các chiến sĩ chống phát xít được quyền đón bình minh của một năm mới nữa. Ngày 21/12, Hitler bác bỏ ân xá. Và Rayder ra lệnh hành quyết ngay vào ngày 22/12.
12h trưa ngày 21/12 các tử tù được chuyển từ xà lim của Gestapo đến nhà tù Plesenzay. Cùng lúc, người ta đóng vội mấy cái giá treo cổ và tìm gấp một tên đao phủ biết “sử dụng” dây thòng lọng, vì lâu nay tử tù chủ yếu bị hành quyết bằng súng đạn và máy chém.
Ngày 22/12, từ 4h10, những người giúp việc đao phủ cắt tóc cho tử tù và khoác lên người họ những chiếc áo sơ mi màu sám. 4h45, đoàn tử tù được đưa ra hành lang và xếp thành hai hàng, nam một bên, nữ một bên, rồi cùng đến nơi thi hành án. Ở khoảng sân nhỏ bên cạnh đã để sẵn những cỗ quan tài dành cho họ, tên từng người được viết trên nắp sơn đen.
Shulz Boizen là người bị hành quyết đầu tiên. Nghe gọi đến tên, anh bước lại chỗ ba tên đao phủ đang đứng chờ trong bộ đồ đen, mũ trụ, găng tay trắng. Anh hỏi: “Ở đâu?”; chúng hất đầu về phía tấm màn đen. Trên giá treo cổ có đóng những chiếc móc, mỗi móc có một sợi dây treo sẵn. Cũng như Hannak, Koppy và Kuchov, Boizen từ chối không chịu mang băng đen và tự mình bước lên ghế đẩu. Bọn đao phủ lạnh lùng đánh bật những chiếc ghế khỏi chân họ.
Sau khi cuộc hành quyết kết thúc, đao phủ đặt xác các thành viên “Dàn nhạc” vào quan tài, chất lên xe và đưa đến một nơi không ai biết.
Trong thư gửi mẹ, Libectech viết: “Con sẽ mãi mãi trẻ trung trong kí ức của bố mẹ. Con sẽ không phải chia tay với Harr của con. Con yêu tất cả thế giới này. Xin mẹ đừng buồn – số phận cần đến cái chết của con, và chính con cũng mong đón nhận nó. Xin bố mẹ hãy yêu hộ con tất cả những ai thân thiết với con...”.
Còn trong thư gửi bố mẹ, Harr Shulz Boizen viết rằng: “Con sắp phải từ giã cái “tôi” trần thế của con. Con rất thanh thản và mong bố mẹ bình thản đón nhận nỗi đau này. Tất cả những gì con làm là theo mệnh lệnh của trái tim, khối óc và niềm tin của chính con. Con đã hành động với động cơ cao thượng nhất. Con hi vọng thời gian sẽ làm vợi đi nỗi đau của bố mẹ".
"Bố mẹ hãy tin rằng hạt giống mà chúng con gieo nhất định sẽ nảy mầm. Chúng con hi vọng đã để lại một dấu vết nào đó trong lịch sử. Con xin được nhỏ một giọt nước mắt vào thư - giọt nước mắt duy nhất của con. Mong giọt nước mắt đó sẽ in đậm thành dấu ấn, thành niềm tin vào tình yêu của con với bố mẹ”.
Trước lúc ra pháp trường, Boizen còn làm thơ: “Những kẻ ngồi ghế xử hôm nay/ Đâu phải là quan toà của lịch sử/ Bản án cuối cùng/ Rồi sẽ đến ngày tuyên án”.
Vụ đàn áp dã man lưới điệp báo “Dàn nhạc đỏ” một thời gian dài là bí mật quốc gia. Hitler còn dọa bắn giết thân nhân những người đã chết nếu họ báo tin cho người khác biết. Tuy nhiên, lịch sử vốn công bằng. Đúng như Boizen viết, bản án cuối cùng đã được tuyên cáo.
Nguyên Phong