Trong vài năm trở lại đây, live stream đã trở thành món ăn không thể thiếu đối với game thủ PC và với những kênh stream hàng đầu thì hàng chục nghìn người theo dõi đã không còn là hiếm nữa, thậm chí với các game thủ eSports nổi tiếng thì con số đôi khi lên tới hàng trăm, hàng triệu người. Nên biết, streamer nổi tiếng nhất hiện nay trên kênh Twitch là Syndicate với gần 1,5 triệu tín đồ theo dõi, nhiều nhất trong số tất cả các game thủ chuyên nghiệp hiện nay.

Có thể nhận định rằng, sự tăng trưởng về số lượng người theo dõi một phần cũng là do công nghệ thông tin ngày càng bùng nổ. Không cần biết bạn muốn theo dõi ai, hay muốn chia sẻ stream của mình như thế nào, trước tiên bạn cứ phải có đường truyền internet ổn định đã. Thêm nữa là các dịch vụ này hầu hết đều miễn phí cho nên lượng streamer cũng như người theo dõi càng tăng mạnh. Vậy, làm thế nào để kênh stream của bạn trở nên nổi bật giữa muôn vàn kênh stream khác đây?

OBS và Twitch

Việc đầu tiên bạn cần làm là đăng kí 1 tài khoản Twitch (miễn phí). Bạn truy cập vào trang web của Twitch TV và tạo tạo tài khoản. Sau khi đã tạo xong, bạn click vào tên tài khoản ở phía trên góc phải của trang chủ Twitch rồi chọn Dashboard, click sang thẻ Stream Key và chọn chuột vào nút Show Key bên dưới.

Bạn sẽ dùng key này để stream tới kênh của mình. Bất kì ai dùng đoạn mã này đều có thể stream tới kênh của bạn, do đó bạn đừng chia sẻ nó cho ai khác.

Tiếp theo là OBS, đây là viết tắt của cụm từ Open Broadcaster Software. Ứng dụng này được ưa dùng vì được phát hành miễn phí, mã nguồn mở, nó cho phép quay video, stream ứng dụng, và hoàn toàn có thể stream video trực tiếp tới Twitch. OBS cũng cho phép bạn bổ sung các thành phần ngoài, như video quay trực tiếp từ webcam..., vào quá trình stream của bạn.

Bạn tải về OBS, cài đặt rồi mở ứng dụng ra. Phần mềm này sử dụng các "cảnh" - scene, và "nguồn" - source, cho việc stream của mình. Theo mặc định nó sẽ sử dụng 1 cảnh và trên thực tế thì điều này không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, 1 cảnh có thể có 1 hoặc nhiều nguồn, do đó bạn có thể thiết lập để 1 cảnh hiển thị nội dung của 1 cửa sổ game, hoặc hiển thị nội dung 1 cửa sổ game và 1 webcam. Bạn cũng có thể thiết lập 1 cảnh riêng cho mỗi game mà bạn muốn stream, rồi chuyển đổi qua lại giữa các cảnh.

Việc bạn cần làm là thêm cửa sổ game để làm nguồn cho cảnh. Bạn mở game ra và cho game chạy ngầm. Khi game đã chạy rồi, bạn click chuột phải vào hộp Sources, trỏ tới Add, và chọn Game Capture.

Bạn chọn cửa sổ ứng dụng mà mình muốn quay (capture) và click OK. Các thiết lập này cũng cho phép điều chỉnh lại về sau - bằng cách click chuột phải vào nguồn quay trong danh sách Sources rồi chọn Properties. Lúc này nút Preview Stream sẽ cho phép bạn xem trước stream của mình.

Sử dụng chế độ Monitor Capture

Chế độ Game Capture nhiều lúc không có hiệu quả với tất cả các game. Nếu như bạn nhìn thấy sự xuất hiện của màn hình đen khi đang chơi game, thì có nghĩa là đã có trục trặc xảy ra.

Trên trang web của OBS cũng lưu ý rằng các game OpenGL - gồm cả game Minecraft - đều gặp lỗi với chế độ Game Capture. Do đó nếu gặp phải lỗi và game stream không hoạt động như ý muốn, bạn cần dùng tới chế độ Monitor Capture. Chế độ này giúp quay lại toàn bộ desktop của bạn, bao gồm cả game. Tuy nhiên có 1 lưu ý là bạn cần tắt hiệu ứng Aero của Windows. Hiệu ứng này vốn ngốn tài nguyên hệ thống và có thể gây khó khăn cho việc stream.

Để sử dụng chế độ Monitor Capture, đầu tiên bạn click chuột phải vào nguồn Game Capture và click Remove. Bạn click chuột phải bên trong hộp Sources và thêm nguồn Monitor Capture.

Cài đặt

Tiếp theo bạn cần kết nối OBS tới kênh stream Twitch, kênh lớn nhất hiện nay và hoàn toàn chiếm ưu thế so với những kênh stream khác như CMS Talk, Youtube hay Amazon. Thêm vào đó, lưu lượng người dùng tới lui kênh này cũng cực kỳ đông đảo cho nên kênh stream của bạn sẽ dễ dàng thu hút được sự chú ý của người dùng hơn. Bạn click nút Settings trong OBS và chọn Settings. Bạn click tiếp vào mục Broadcast Settings, thiết lập Mode sang Live Streaming, và thiết lập Streaming Service sang Twitch / Justin.tv. Bạn chọn server nào gần nhất với mình và nhập mã Twitch chúng ta đã nói ở đầu bài. Bạn cũng cần thay đổi một số settings về encode để đảm bảo việc stream có thể được tối ưu. Phần Broadcast Settings sẽ đưa ra các thông báo cho bạn biết là bạn sẽ cần phải điều chỉnh gì. Ngoài ra, bạn có thể vào phần Advanced để thiết lập thêm một số setting nâng cao khác.

Đến bước này bạn đã có thể stream game lên Twitch, tuy nhiên nếu như việc stream diễn ra không mượt mà, có thể bạn sẽ cần phải quay lại và truy cập vào mục Encoding trong OBS và thay đổi các setting về chất lượng đồ họa. Việc thiết lập sẽ tùy thuộc vào sức mạnh phần cứng của máy cũng như tốc độ internet mà bạn sử dụng. OBS cũng cung cấp công cụ Stream Settings Estimator để giúp bạn tối ưu các cài đặt của mình.

Bắt đầu stream

Sau khi kết thúc việc cài đặt thì bạn đã có thể bắt đầu stream bằng cách click Start Streaming trong OBS. Bạn có thể xem preview stream của mình, thiết lập trạng thái trên trang Dashboard. Để chia sẻ stream với người khác, bạn chỉ cần điều hướng họ tới trang kênh stream của bạn -twitch.tv/user , trong đó “user” chính là tên người dùng của bạn.

Webcam

Thực tế thì webcam không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc stream của bạn nhưng GameSao khuyên bạn hãy nên chuẩn bị một cái. Lý do vì mọi người sẽ thấy được thái độ của bạn ra sao khi đang stream và nếu bạn có thái độ cởi mở, thân thiện thì sẽ có nhiều người theo dõi bạn hơn đấy.

Nếu đã từng theo dõi stream của game thủ chuyên nghiệp Hearthstone, Arma thì hẳn bạn sẽ nhận ra chính yếu tố thân thiện, cởi mở nhưng không kém phần thông minh, lém lỉnh của anh chính là lý do thu hút được nhiều người theo dõi đến vậy.

Micro và nhạc nền

Micro có vai trò tương đương với webcam để giúp bạn có thể giao tiếp được với người dùng. Nhiều người cho rằng chỉ việc chat trên kênh là cũng được rồi nhưng quan niệm đó lại là sai lầm bởi khi bạn cất tiếng nói, trao đổi trực tiếp với người khác cũng chính là bạn đang tôn trọng người đó, mang lại cảm giác gần gũi hơn so với những dòng chữ vô tri.

Bên cạnh đó, một yếu tố khá phổ biến hiện nay là bản nhạc nền mà bạn lồng vào khi stream. Có thể lấy ví dụ như SivHD, những bản nhạc mà anh sử dụng khi stream được coi là một yếu tố kích thích người dùng chú ý đến video của anh nhiều hơn và khi theo dõi xong, họ lại cùng bình luận đó là bài hát gì, một hình thức 'câu kéo' rất tốt đấy. Tuy nhiên, việc này vẫn còn khá nhiều bất cập do vấn đề bản quyền cho nên bạn cũng có thể cân nhắc.

Nói vậy để thấy, ngoài yếu tố hình ảnh ra, chất lượng âm thanh cũng là rất cần thiết để bạn gây ấn tượng với người theo dõi và hãy học cách tận dụng tối ưu những đặc điểm này để tạo phong cách riêng cho mình nhé.

Những thói quen tốt khi streaming

Theo GuardsmanBod, một streamer khá có tiếng trên Twitch mách bảo, khi bạn đã có một kênh stream riêng cho mình rồi thì nên bắt đầu luyện tập những thói quen 'có ích' khi streaming để câu kéo lượng người xem tốt hơn. Điều này là rất quan trọng bởi nếu không có người theo dõi thì kênh stream của bạn tạo ra sẽ chẳng mang ý nghĩa gì cả (đối với những người chỉ stream cho vui thì có lẽ điều này không cần thiết). Anh chia sẻ, trước khi stream, bạn nên thông báo trên Facebook, Twitter hay các mạng xã hội khác để 'nhắc nhở' mọi người rằng mình sắp stream, mặc dù điều này chưa chắc sẽ giúp bạn cải thiện tình hình ngay lập tức nhưng nếu lặp đi lặp lại thói quen đó thì tình hình sẽ khả quan hơn nhiều đấy.

T.B