Nguyễn Hàn Bách (sinh năm 2007), học sinh lớp 11I2, Trường THPT Tây Hồ, nhận kết quả 9.0 IELTS vào đầu tháng 2 vừa qua. Trong đó, cả ba kỹ năng Nghe, Đọc, Nói của Bách đều đạt 9.0; kỹ năng Viết đạt 8.5.

“Em vui với kết quả này, tuy nhiên trước đó chưa từng đặt áp lực phải đạt mức cao nhất”, Bách nói.

Bách bắt đầu học IELTS từ năm lớp 9. Khi ấy, nam sinh cảm thấy “trước sau gì cũng cần dùng nên tập trung học luôn”. Thời điểm đó, khả năng của Bách đạt khoảng 6.0.

Lên cấp 3, khi theo học tại lớp định hướng chuẩn quốc tế IELTS của Trường THPT Tây Hồ, nhận thấy học trò có khả năng làm tốt bài thi này, cô giáo động viên Bách nên đăng ký thi ngay. Không ngờ, nam sinh đạt 9.0 ngay trong lần thi đầu tiên.

Theo Bách, nhiều người khi ôn luyện IELTS thường cố gắng học các “mẹo mực”. Không cổ súy cho cách làm này, Bách thấy rằng thí sinh cần nắm rõ các tiêu chí và đặt ra quy tắc cho mình để đạt kết quả cao nhất khi làm bài.

Trong 4 kỹ năng, nam sinh cảm thấy yếu nhất ở phần Viết. Vì thế, Bách thường dành nhiều thời gian để ôn luyện nội dung này. Task 1 của phần Viết thường viết theo dạng, Bách cho rằng cần phải có ngay dàn ý trong đầu và biết cách chia đoạn phù hợp. Nếu chia đoạn không logic có thể dẫn tới việc không biết so sánh các dữ liệu, con số với nhau, từ đó không có ý để phân tích, đánh giá.

Với Task 2 thường yêu cầu thí sinh đưa ra ý kiến, quan điểm. Để trau dồi phần này, Bách thường xuyên tham gia các cuộc thi tranh biện hoặc xem tranh biện. Điều này rèn cho Bách khả năng tư duy, lập luận sắc sảo.

Tuy nhiên, nam sinh cũng cho rằng IELTS vốn là bài kiểm tra ngôn ngữ, vì thế các câu khi viết trong bài cần phải có nghĩa, trôi chảy, mạch lạc, thể hiện được khả năng ngôn ngữ của thí sinh. “Điều này quan trọng hơn rất nhiều so với việc thí sinh cố gắng tìm ra các dẫn chứng thuyết phục, phải mang tính chuẩn xác 100%”.

Trước đây khi ôn luyện phần này, có thời điểm Bách từng cố gắng “phô” ra nhiều từ vựng, ngữ pháp “độc lạ, cao siêu”. Nhưng sau đó, nam sinh nhận ra để đạt điểm cao, không nên nhồi nhét nhiều từ vựng lạ. Điều đó dẫn đến bài viết không tự nhiên, đôi khi khó kết nối với những đoạn tiếp theo.

425805291 900945148701359 7012718740694772712 n.jpg
Nguyễn Hàn Bách (sinh năm 2007), học sinh lớp 11I2, Trường THPT Tây Hồ, nhận kết quả 9.0 IELTS vào đầu tháng 2 vừa qua. 

Với phần Nói, bí quyết của Bách là luyện nói sao cho thật tự nhiên, trôi chảy. Vốn là người “thích dùng tiếng Anh”, Bách thường sử dụng bất cứ khi nào có thể. “Em hay lên mạng tìm kiếm những người bạn có cùng sở thích để nói chuyện, ví dụ như khi chơi game. Ngoài ra, khi rảnh rỗi, em cũng xem các video hoặc bài nghiên cứu bằng tiếng Anh. Vì thế, đây là phần em cảm thấy tự tin nhất”.

Cũng như khi viết, theo Bách khi nói, thí sinh cũng không nên cố nhồi vào những từ vựng hiếm, cao siêu, bởi như thế bài nói cũng sẽ rất khó hiểu và không được điểm cao. 

Ngoài ra, theo nam sinh, khi bước vào phòng thi, thí sinh có thể tìm kiếm một người bạn bên cạnh mình, cố gắng bắt chuyện và hỏi xem họ có muốn luyện tiếng Anh cùng không. “Việc tập nói trước khi vào phòng chỉ khoảng 10-15 phút cũng giúp thí sinh không bị bỡ ngỡ và nói trôi chảy, tự nhiên hơn”.

Với phần Đọc, theo Bách dạng bài dễ mất điểm là Matching Heading và True/False/Not given hoặc Yes/No/Not Given. 

“Với những dạng bài này, kể cả khi dùng kỹ thuật Skim – Scan cũng sẽ phải đọc toàn bộ nội dung. Do đó, cách làm bài tốt nhất vẫn là đọc toàn bộ bài, cố gắng nắm bắt được nội dung chính và nội dung cụ thể của từng đoạn”.

Với phần Nghe, Bách cho rằng cần phải hiểu nội dung và cố gắng tập trung để không bỏ sót thông tin. “Các câu hỏi trong bài nghe thường đặt theo thứ tự khớp với từng phần nội dung trong bài. Cho nên, không cần phải chờ đáp án câu 2 khi người ta đã nói đến câu 3. Tốt nhất, nếu không nghe được thì nên bỏ qua, chấp nhận mất điểm đoạn ấy”.

Để luyện tập phần này, Bách thường chủ động tìm nghe những video về Lịch sử, Địa lý, Khoa học và xem đó như một phần trong cuộc sống. Ngoài ra, khi muốn tìm hiểu về một vấn đề gì, Bách đều tìm các tài liệu liên quan bằng tiếng Anh.

Cuối cùng, dù ở phần nào, theo Bách luôn cần tuân thủ quy tắc “câu dễ làm trước, câu khó làm sau”. “Em sẵn sàng bỏ một câu nếu em nhận thấy mình đọc cả bài nhưng vẫn chưa tìm được đáp án đúng.

Lúc ấy, em sẽ dừng và làm câu khác để tiết kiệm thời gian. Mục tiêu của em không phải làm đúng 100% mà là cố gắng để đạt điểm cao nhất có thể”, Bách nói. Việc biết quản lý thời gian hiệu quả, theo Bách, cũng là một trong những yếu tố quan trọng để đạt kết quả tốt trong bài thi IELTS.