Chị Diệp làm kế toán cho một công ty phát hành sách, thu nhập được 10 triệu/tháng. Chồng chị có một xưởng mộc, thu nhập tùy từng thời điểm và tùy tháng. Có tháng thu nhập chỉ 10-20 triệu, có tháng thu nhập vài chục hoặc hơn trăm triệu. 

Vợ chồng chị Diệp có 3 con. Các con chị đều đã lớn: đứa lớn nhất học lớp 12, đưa thứ hai học lớp 10 và con nhỏ học lớp 7. Ngoài ra, nhà chị có thêm em trai 30 tuổi từ quê lên Hà Nội làm ở cùng. Tổng cộng, nhà chị có tất cả 6 thành viên.

Trước đây, chị Diệp hay đi chợ theo ngày, hoặc ít nhất hai ngày đi chợ một lần. Thế nhưng, chị thấy việc đi chợ theo ngày tốn thời gian và không kiểm soát được tiền chợ. Do đó, chi tiêu mỗi tháng cho khoản tiền ăn của gia đình chị luôn ở mức trên 10 triệu đồng/tháng.

{keywords}
Đi chợ đầu mối, chị Diệp tiết kiệm được 2-3 triệu mỗi tháng (ảnh minh họa)

“Ngày nào nhà mình ăn 3 bữa cũng hết khoảng 250.000-300.000 đồng. Cuối tuần thì nhỉnh hơn, phải 400.000 đồng/ngày do mình mua thêm gà vịt, thức ăn tươi cải thiện. Do đó, tiền chợ tháng nào của gia đình mình cũng hết khoảng chục triệu đồng. Đã vậy, ngày nào mình cũng phải xách làn đi chợ, tính toán lên món hàng ngày. Nhiều hôm có việc bận, sáng chưa kịp thì chiều làm về muộn vẫn cuống lên đi chợ”, chị Diệp nói.

Thấy việc đi chợ theo ngày bất tiện và để giảm chi phí tiền ăn mùa dịch, chị Diệp quyết định đi chợ đầu mối theo tuần.

“Mình thấy nhà cô bạn đồng nghiệp đi chợ theo tuần vừa rẻ, vừa mua được nhiều loại thực phẩm, lại tiết kiệm thời gian rất nhiều. Cô ấy gợi ý cứ cuối tuần đi chợ đầu mối mua các loại tôm, cua, cá, rau củ,... về sơ chế, chia nhỏ thành từng bữa để tủ lạnh ăn dần, rất tiện lợi”.

Nghe bạn tư vấn, chị Diệp đi chợ đầu mối 1 tuần/lần mấy tháng nay. Mỗi lần, chị mang theo 1 triệu đồng hoặc hơn một chút. Chị hay đi chợ đầu mối 365 và chợ đầu mối Dương Nội, vào thứ Bảy hàng tuần.

“Ở Hà Đông có rất nhiều chợ dân sinh, chợ cóc. Tuy nhiên, để mua đồ ăn được rẻ, mình hay đi chợ 365 mua thịt cá và rau cỏ, hoa quả. Nhất là rau ở chợ này rất rẻ. Còn đi chợ đầu mối Dương Nội thì mình mua gia cầm và hải sản. Thế nên, chỉ cần 1 triệu là mình mua đủ thực phẩm tươi ngon ăn trong cả tuần", chị Diệp kể.

Cụ thể, khi đến hai chợ đầu mối trên, chị Diệp thường mua các loại thực phẩm sau:

1kg thịt bò: 160.000 đồng

1kg tôm: 135.000 đồng

2 kg thịt nạc vai: Giá thịt lợn đã hạ nhiệt, giảm rất nhiều nên chỉ còn 110.000 đồng/kg, mua 2kg tính ra chỉ 220.000 đồng. 1 kg chị nhờ người bán xay sẵn, 1kg chị chia thành 3 miếng để kho hoặc rang.

{keywords}
 

2 chục trứng: 40.000 đồng

1 con gà ta khoảng 2kg: 180.000 đồng

1,5kg cánh gà công nghiệp: 120.000 đồng

3kg cá trôi: 90.000 đồng (loại 1 kg/con)

Ngoài ra là các loại rau củ: 1kg khoai tây: 20.000 đồng; 1kg đậu, 1kg su su: 30.000 đồng; rau muống, rau dền, mùng tơi: 30.000 đồng

Hoa quả: 1kg mận: 30.000 đồng; 2kg dưa hấu: 30.000 đồng; 2kg xoài: 30.000 đồng.

Tổng cộng: Trên dưới 1 triệu đồng/tuần cố định. Tất nhiên, hàng ngày vẫn phải bổ sung một ít những đồ tươi sống theo ngày hay phát sinh nhưng không quá lớn.

Như vậy, với số tiền hơn 1 triệu đồng, chị Diệp đã mua được khá nhiều các thực phẩm với đủ thịt, tôm, cá, rau củ. Sau đó, chị rửa sạch, sơ chế thành những bữa nhỏ bảo quản trong tủ lạnh.

“1kg thịt lợn, mình chia làm 3 bữa. 1,5kg cánh gà cũng chia làm 3 bữa. Cá mình chia làm 4 bữa. Hôm nào thích ăn cá nấu thì bỏ ra nấu chua hay nấu dưa. Hôm nào thích ăn kho thì mình sẽ bỏ ra kho giềng. Thịt bò mình cũng chia nhỏ ra để xào hành tỏi hoặc để nhúng mì ăn sáng. Riêng con gà ta mình thường luộc, thịt gỡ ra để nấu phở gà buổi sáng ăn tại nhà. Mỗi ngày, mình chỉ cần mua thêm thực phẩm hay gia vị lặt vặt khác như hành hoa, đậu phụ, hoa quả nếu cần”, chị Diệp kể.

Tính ra, ngày ba bữa ăn tại nhà nhưng gia đình trẻ 5 người này hết khoảng 150.000 đồng/ngày. Cả tháng, công thêm các đồ tươi phát sinh, đồ ăn bổ sung khác gia đình chị Diệp chi tầm 6 triệu đồng tiền đi chợ, tiết kiệm được 3 triệu so với trước.

Theo chị Diệp, ngoài đi chợ đầu mối cuối mỗi tuần, để tiết kiệm chi tiêu tối đa, tự bản thân mỗi chị em cần biết sáng tạo thực đơn khi nấu nướng, giúp món ăn gia đình đa dạng hơn. “Quan trọng  là thực đơn 7 ngày không trùng lặp, đổi món liên tục. Bởi thực phẩm chỉ có quanh quẩn chừng vậy thôi, nếu không biết chế biến, các món ăn trên mâm cơm sẽ rất đơn điệu”, chị nói.

Thảo Nguyên

Đi 5km quả nho đắt gấp 4, từ chuồng ra chợ gà tăng giá 3 lần

Đi 5km quả nho đắt gấp 4, từ chuồng ra chợ gà tăng giá 3 lần

Tại chợ đầu mối, thịt cá, rau củ, trái cây,... bày bán la liệt, có loại giá rẻ như cho. Song, tới bán lẻ dân sinh  truyền thống, các mặt hàng này đội giá gấp 3-4 lần.