Mình là một cô con dâu tốt, thì tất cả mọi người đều vui vẻ. Chồng vui vì có người vợ hiền thảo, bố mẹ chồng vui vì con dâu biết lo liệu, bố mẹ đẻ vui vì con gái mình biết ăn ở. Có như thế thì mới có mối giao hảo hai bên thông gia.

Thuyền theo lái

Tôi là một phụ nữ, thấy các anh chị tranh luận nhiều về đạo làm dâu trên diễn đàn nên muốn góp thêm một vài ý kiến nhỏ của mình. Có lẽ một số chị sẽ ngạc nhiên khi tôi là phụ nữ mà đồng quan điểm với anh Phạm Kiên và Trần Ngọc, bởi với tôi người phụ nữ đáng được trân trọng và tôn vinh nhất vẫn là người phụ nữ giàu lòng vị tha. Phụ nữ là người giữ lửa cho gia đình, nếu không có trái tim bao dung và sống vì mọi người (họ không phải ai xa lạ mà chính là chồng, gia đình chồng, con cái của mình) thì gia đình ấy liệu có bền vững hay không?

Đã là đạo vợ chồng là phải tôn trọng nhau, người xưa có dạy "vợ chồng trọng nhau như khách quý" cơ mà, đó là nguyên tắc cơ bản để xây dựng hạnh phúc. Muốn được chồng tôn trọng, trước hết mình phải tôn trọng chồng đã.

Vợ, chồng là người mình yêu thương, ''trao thân gửi phận'' muốn xây dựng hạnh phúc cả đời mà. Người ta hay gọi đó là bạn đời, "tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên" (trong ba người cùng đi, ắt có người sẽ là thầy ta) huống hồ vợ/chồng là người đồng hành suốt cả một đời với mình, sao lại bảo không có gì để học? Có học có khôn phải không bạn?

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: giadinh.net

Bạn "ném" vào chồng một câu "Chồng là cái thá gì mà đòi dạy vợ?" thì tôi nghĩ vợ chồng bạn có vấn đề rồi (Nếu như bạn đang hoặc đã có chồng). Vì bạn không tôn trọng chồng, không tôn trọng gia đình chồng, thì làm sao họ có thể tôn trọng và yêu thương bạn được? Cái gì cũng phải xuất phát từ hai phía mà bạn! Đi làm dâu, "lấy chồng theo thói nhà chồng" nếu bước chân về làm dâu mà mang trong mình cái tôi to đùng liệu có hòa hợp nổi không? Mình về làm dâu, chưa theo được nếp nhà chồng (dù có thể là hợp hay không hợp với mình) thì cớ gì bắt được nhà chồng theo mình?

Đừng kể công với nhà chồng

Phụ nữ mà có được "Công - Dung - Ngôn - Hạnh" chẳng phải tuyệt vời lắm sao? Tôi khâm phục người phụ nữ biết chiều chồng dạy con, giữ được hòa thuận ấm êm trong nhà. Bạn có thể là một phụ nữ có công danh, có tiền bạc, có rất nhiều thứ khiến mọi người ganh tỵ, nhưng sẽ chẳng là gì nếu như không có những niềm vui lo toan rất đời thường như: không phải lo nghĩ xem chiều gia đình ăn gì, không được nghe tiếng trẻ con đùa nghịch, không được quây quần bên gia đình, không thấy được sự thành đạt của chồng, sự trưởng thành của con cái... Về già có con cháu đuề huề, vui vẻ bên nhau.

Tôi là người phụ nữ bình thường, hạnh phúc với tôi cũng rất giản dị, chồng con mạnh khỏe, vui vẻ, gia đình hòa thuận là tôi ấm lòng. Để có được điều bình dị đó, tôi cũng phải cố gắng rất nhiều. Bởi vì, tôi cũng là một cô gái được sống trong sự yêu thương chiều chuộng, chỉ biết có ăn với học, rồi đi lấy chồng. Bao nhiêu vấp váp khi về làm dâu, tôi tưởng như mình không thể vượt qua nổi.

Nhiều đêm nằm khóc thầm nghĩ tủi cho phận mình, muốn phá tung tất cả, nhưng cũng chính lúc đó, tôi cũng tự hỏi mình sai ở đâu? Sao mọi người lại khó chịu với mình? Và tự dằn lòng mình lại, sau những nghĩ suy đó tôi thấy mình lớn khôn hơn. Về nhà chồng đừng tự cao giọng: Anh kiếm tiền, tôi cũng kiếm tiền, tôi không phải là osin, rồi đòi bình quyền, như thế là không ổn đâu, các em gái nhé! Chồng tôi cũng là người hiền lành, có hiếu với bố mẹ chồng, thương yêu vợ con. Nhưng cái đó cũng là do tôi "gạn đục khơi trong" mới thấy được bởi khả năng thể hiện của anh ấy rất kém. Tôi thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, chính vì thế mà tôi thấy hạnh phúc.

Phụ nữ có những thiên chức mà không ai có thể chối bỏ được, đó là làm vợ, làm mẹ, nếu đòi công bằng thì mình mang nặng họ phải đẻ đau chứ! Đừng mang lên bàn cân để cân đo đong đếm những thiệt hơn với những người trong gia đình. Muốn có hạnh phúc thì phải biết hi sinh, "gái có công thì chồng chẳng phụ" mà, muốn có sự cảm thông thấu hiểu ở những người trong gia đình thì phải có thời gian, không thể một sớm một chiều mà có thể làm được điều đó. Vì sao các chuyên gia tâm lí vẫn thường nói, khoảng thời gian sau đám cưới có thể kéo dài đến 3 hoặc 5 năm, gia đình thường hay nổi sóng nhất (có nhiều đôi ly hôn trong khoảng thời gian này), bởi đó là thời gian hòa hợp giữa các thành viên, có thể là gia đình nhỏ (vợ và chồng) hoặc là cả một gia đình lớn (sống với cả gia đình chồng). Cho nên lấy chồng không phải là lấy một mình chồng, mà lấy cả gia đình nhà chồng, nên không dễ đâu các bạn ạ! Cho nên anh Phạm Kiên nói: Đừng vội kể công, tôi nghĩ là đúng đấy!

Chớ bật lại mẹ chồng

Mình là một cô con dâu tốt, thì tất cả mọi người đều vui vẻ. Chồng vui vì có một người vợ hiền thảo, bố mẹ chồng vui vì con trai mình có người vợ biết lo liệu. Bố mẹ đẻ vui vì con gái mình biết ăn ở. Có như thế thì mới có mối giao hảo hai bên thông gia. Mình có quan tâm tới bố mẹ chồng, thì chồng mới quan tâm tới bố mẹ mình, vậy khi đó mình là người vui nhất, có phải như vậy là vẹn cả đôi đường không nào?

Gia đình có hạnh phúc hay không đôi khi cũng chỉ xuất phát từ những cử chỉ nhỏ quan tâm tới nhau mà thôi! Tôi đã vượt qua sóng gió của những ngày đầu cũng chỉ bằng những điều đơn giản như vậy đấy. Tôi chia sẻ ra đây để mong các bạn trẻ có một chút kinh nghiệm khi bước vào cuộc sống gia đình.

Một là: Hãy quan tâm đến gia đình chồng, nhất là mẹ chồng. Quan tâm bằng sự yêu thương, hãy cho đi yêu thương nếu bạn muốn nhận lại điều đó, chỉ đơn giản là bạn trò chuyện cùng bà, hỏi về gia đình, về anh em nội ngoại, về ngày giỗ chạp quan trọng trong gia đình... Đôi khi là những câu chuyện bâng quơ về chồng, nhổ cho bà một vài sợi tóc sâu... thế là bạn đã ghi điểm rồi đấy.

Hai là: Nếu khi tranh luận một vấn đề gì đó, đừng bật lại mọi người, nhất là mẹ chồng, nên ủng hộ quan điểm của bà nếu việc đó không gây tổn hại cho ai.

Ba là: Nếu cần góp ý một ai đó, nên mượn tay mẹ chồng (nhưng phải thật khéo léo nhé!). Còn muốn góp ý cho mẹ chồng thì nên thông qua chồng. Trình bày quan điểm của mình, thuyết phục chồng đồng quan điểm với mình và chồng sẽ là người trực tiếp nói.

Bốn là: Có thể cho mẹ chồng tiếp cận đến những quan điểm tân tiến hơn qua truyền hình, báo chí, hoặc cùng bà đi nghe những buổi nói chuyện của các chuyên gia...

Và cuối cùng, binh pháp của Tôn Tử đã dạy, nếu sau bao nhiêu cố gắng, bạn vẫn không có kết quả. Ba mươi sáu kế, kế đánh bài chuồn là hay! Cố gắng tích góp và ra ở riêng thôi.

Các cô gái ngày nay có nhiều may may mắn hơn phụ nữ xưa, họ được học hành, được khẳng định vị trí của mình trong xã hội, được bình quyền,... có lẽ vì thế mà mới có nhiều bà Tưng, Vàng Anh... với phát ngôn hùng hồn "dám sống thật cho bản thân", chính những con người này sẽ làm lệch lạc đi suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hiện nay. Nếu bạn là mẹ chồng, bạn có một cô con dâu "tưng tửng" như vậy không? Có lẽ nhiều mẹ chồng sẽ nói không, tôi cũng vậy!

Tôi có hai cô con gái, tôi cố gắng dạy dỗ làm sao để cho con mình sống phải có đức hạnh, không ước mong các cháu có được đủ "Công - Dung - Ngôn - Hạnh" như ông bà ta ngày xưa, nhưng đã là con gái phải có nết nhẫn nhịn đứng đầu. Như vậy đi đến đâu các con cũng có thể sống hòa hợp cùng mọi người. Hôm nay là ngày gia đình Việt Nam, kính chúc tất cả mọi gia đình Việt Nam đều có được hạnh phúc!

An An (Một giáo viên tại Thanh Hóa)