Tết nhất hay những dịp đặc biệt, con gái mình chu đáo cẩn thận với bố mẹ chồng nó từng tí. Mua quà tặng thì không bao giờ dưới chục triệu mà toàn là hàng xịn xách tay. Dâu nhà mình thì chỉ thấy đồ tàu hàng chợ. Chả lẽ nó tặng mình lại không cảm ơn hay vứt xọt rác.

Buổi chiều nào cũng thế, từ ngày các bà trong khu nhà tôi lần lượt đến tuổi nghỉ hưu, cái ngõ vốn yên ắng xưa nay bỗng nhiên xôm tụ hẳn. Đặc biệt là mỗi lúc nhà bà nào đấy có con trai mới lấy vợ, chuyện dâu con nhà bà nào là bà nấy, nói như ngôn ngữ của thanh niên, là mang ra “chém” nhiệt tình. Mẹ tôi cũng trong hội “tám” ấy, nhà lại có mình tôi con gái không có con dâu nên các bà cứ nhè trước cửa nhà tôi làm chỗ “công tố”.

Thế nên dù chẳng muốn nghe thì chuyện các bà kể vẫn cứ đập vào tai. Mà kể cũng lạ, con dâu nhà các bà chị nào chị ấy đều mặt mũi sáng sủa, bằng nọ cấp kia thế mà qua lời các bà, không nói quá là chẳng khác nào con nhà không được dạy dỗ tử tế. Một bà sát nhà tôi bắt đầu bằng mấy câu chuyện xung đột của mẹ chồng con dâu trên báo. Rồi được lời như cởi tấm lòng, các bà bắt đầu bữa tiệc than thở và tố tội.

 

{keywords}
Ảnh minh họa

Các bà bảo “con dâu bây giờ hỏng hết cả lượt. Ai lại cứ lên báo để xa xả nói xấu nhà chồng, vạch áo cho thiên hạ người ta xem đủ thứ thế có chết không”. “Chả cứ gì trên báo đài đâu! Nói lại bảo vạch áo này nọ, vừa hôm qua chính tai tôi nghe con dâu tôi gọi điện cho mẹ nó than thở, rằng ở nhà tôi nó khổ nọ khổ kia. Mà khổ cái gì chứ? khổ ngày ba bữa, khổ ngủ nứt mắt ra chắc”, một bà khác tiếp lời.

Đến lượt bà bên cạnh nhà tôi giọng lanh lảnh “Con gái nhà mình cũng đi làm dâu người ta mà gặp lần nào cũng nghe nhà chồng nói hay nói tốt về nó, thấy nở mày nở mặt. Nghĩ tới con dâu mình mà xấu hổ với thông gia bên ấy. Tết nhất hay những dịp đặc biệt, con gái mình chu đáo cẩn thận với bố mẹ chồng từng tí. Mua quà tặng thì không bao giờ dưới chục triệu, mà toàn là hàng xịn xách tay. Dâu nhà mình thì chỉ thấy đồ tàu hàng chợ. Chả lẽ nó tặng mình lại không cảm ơn hay vứt xọt rác. Ấy thế mà chúng nó lại nghĩ thế là tốt với mẹ chồng lắm rồi. Có hiếu lắm rồi, đi khoe tùm lum là tặng mẹ chồng cái này cái kia”.

Bà khác ra vẻ thông cảm “Thế nó còn có tặng. Con dâu nhà tôi từ lúc về tôi còn chưa được đồng quà tấm bánh nào đây. Nó cậy tiền lương của nó tháng nào cũng nộp cho tôi nên nghĩ thế là đủ. Có biết trong nhà bao thứ cần lo”. Rồi thì là “Giờ chúng nó làm dâu sướng hơn tiên. Việc gì cũng máy làm cho. Con thì ông bà hoặc osin chăm. Tiền thì chồng kiếm nhưng càng sướng lại càng gào. Lúc nào cũng kêu mình hi sinh vì gia đình, dùng nước mắt để kể khổ rồi xúi chồng ghét mẹ. Chúng nó cứ bảo khác máu tanh lòng, nhưng cứ thế này làm sao mà mẹ chồng yêu thương được chúng nó. Nói hơi tí thì dầy cái mặt ra.”

Ý các bà là “Lấy chồng thì phải gánh cả giang san nhà chồng” nhưng bây giờ con dâu động tí hi sinh cho nhà chồng là đòi phải được ghi công. Không có thân già các bà thì liệu chúng nó có được tấm chồng, được con bồng con ẵm như ngày hôm nay? Đã không báo hiếu bố mẹ chồng thì chớ lại còn kể công, kể khổ. “Cánh già này cũng đã từng làm dâu nên đừng bảo không hiểu. Giờ chúng nó làm dâu vẫn sướng gấp vạn lần ngày xưa.”…

Theo các bà thì con dâu bây giờ công ít tội thì nhiều, kể chẳng bao giờ hết. “Chung quy lại là do cách dạy của mỗi gia đình các bà ạ. Như con gái mình không phải khen lấy chứ có ai phải chê câu nào. Con dâu nhà mình có hư có láo cũng là do bố mẹ nó không biết dạy bảo. Thế nên về nhà mình vẫn cứ phải dạy dỗ lại”. Thấy con dâu bà nào đi làm về qua chào, tất cả đều tươi cười đáp lời nhưng quay lại tắt ngay nụ cười và tiếp tục bài ca “tố tội” không ngớt.

Xâm xẩm tối, khi tội trạng các nàng dâu đã vơi thì chương trình “mỗi ngày một tội_mỗi ngày một tệ” về các nàng dâu của các bà tạm kết thúc. Câu giải tán vẫn không lạc chủ để “Về thôi không tí mặt nó (con dâu) lại dày ra. Ăn miếng cơm cũng không ngon”. Mẹ tôi bước vào thấy tôi đang đứng nghe lén, bà nghiêm mặt “còn thân chị nữa. Dỏng tai lên mà nghe, không đến lúc lấy chồng lại mang tiếng tôi không biết dạy dỗ”. “Lạ mẹ nhỉ, chẳng lẽ con dâu bây giờ mang tiếng có học mà lại tệ đến thế?”.

M.T (Hà Nội)