Ngày 14/9, chị T.N.L (29 tuổi, ở Hà Nội) tới Hà Giang. Chị L. nghỉ tại tại homestay Hoàng Su Phì bungalow (thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì). Rạng sáng ngày 18/9, chị L. đang ngủ say thì bất ngờ xuất hiện một người đàn ông lẻn vào phòng và khống chế, cưỡng ép chị quan hệ tình dục.

Sau sự việc, nữ du khách liên hệ ngay với homestay và trực tiếp gọi điện cho phía chính quyền để nhờ can thiệp. Sáng 22/9, nguồn tin từ Công an huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho hay, đơn vị đã bắt giữ khẩn cấp Triệu Tạ Mềnh (SN 1991, thường trú tại thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì) để điều tra về hành vi hiếp dâm.

Sự việc trên nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Khi sự việc xảy ra, nạn nhân đã có những chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội thể hiện thái độ quyết tâm không thỏa hiệp, sẵn sàng đối diện để đưa sự việc ra ánh sáng.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội xuất hiện một bộ phận người bình luận khiếm nhã, ác ý, mỉa mai nạn nhân, thậm chí nghi ngờ, tấn công và đổ lỗi cho nạn nhân. Rất nhiều người đã để lại những bình luận khiếm nhã cho rằng nạn nhân ăn mặc hở hang, đỗ lỗi nạn nhân chủ quan khi tham gia uống rượu với người lạ, đi ngủ không khóa cửa... Ít ngày sau sự việc, nạn nhân đã phải ẩn nhiều thông tin, bài viết trên trang cá nhân, giới hạn những người có thể bình luận bài viết của cô.

Bị tấn công tình dục khi đi du lịch không phải chuyện hiếm

Chia sẻ với báo VietNamNet, nhiều du khách cho biết, họ từng là nạn nhân của quấy rối, tấn công tình dục khi đi du lịch. 

Thanh Thảo (tên nhân vật đã thay đổi, TPHCM) - một cô gái từng đặt chân tới hơn 10 quốc gia trên khắp thế giới như Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan cho biết, cô từng gặp sự việc nguy hiểm trong chuyến đi Ấn Độ năm 2019.

Thảo được một người bạn người Indonesia giới thiệu cho nhà nghỉ. Sau khi để hành lý tại phòng, cô ra ngoài tham quan và trở về vào 22h, được nam quản lý mời một cốc lassi (sữa chua hoa quả nghiền). Thời điểm này, Thảo mới có chút lo lắng khi nhà nghỉ quá vắng vẻ, gần như không có khách. Thảo nhanh chóng chào nam quản lý rồi về phòng nghỉ. Căn phòng của Thảo chỉ có khóa cửa thông thường và không có chốt trong. Tới khoảng 23h, cô giật mình khi thấy tiếng mở cửa phòng và người quản lý "vô tư" đi vào, mang theo một chiếc quạt. Anh ta nói rằng sẽ ngủ ở giường bên cạnh trong phòng cô. 

Lúc này, Thảo thật sự hoang mang. Cô bình tĩnh, không lớn tiếng, song thể hiện rõ thái độ không đồng tình, yêu cầu anh ta rời đi. Vài phút sau, người này rời xuống dưới lấy đồ. Thảo đóng chặt, chặn cửa và nhắn tin cầu cứu người bạn Indonesia đã giới thiệu nhà nghỉ này cho cô. Sau đó không lâu, dường như đã được người bạn kia liên lạc, nam quản lý quay lại lấy chiếc quạt đi và đưa chìa khóa phòng gửi cô.

"Anh ta rời đi nhưng tôi vẫn rất lo sợ. Tôi mang hết đồ đạc ra chặn cửa nhưng vẫn không thể ngủ ngon giấc", Thảo nói. Cô càng sợ hơn khi nhận ra trước đó mình đã dùng đồ uống người kia đưa mà không hề nghi ngờ, cảnh giác. Nếu đồ uống đó có chứa thuốc mê thì sự việc thật không thể lường được. 

Chị Đinh Hằng (TPHCM), một travel blogger - nhiếp ảnh gia, tác giả cuốn du ký "Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ", "Chân Đi Không Mỏi - Hành Trình Đông Nam Á", "Người tình Havana" đã có hơn 10 năm du lịch một mình khắp thế giới. Trong hành trình đó, chị Hằng cho biết, bản thân chưa từng bị trộm, cướp hay lừa đảo nhưng một lần, do thiếu cảnh giác mà suýt chút nữa bị cưỡng hiếp. 

Chị Đinh Hằng, một travel blogger - nhiếp ảnh gia từng suýt bị cưỡng hiếp khi đi du lịch (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với báo VietNamNet, chị Hằng cho biết, sự việc xảy ra vào tháng 10/2013 tại thành phố cảng Cancun, Mexico - một thành phố du lịch nổi tiếng. 19h, chị Hằng đi bộ từ bến xe buýt để trở về nơi lưu trú. Lúc này, một người đàn ông lái xe tải chở hàng tiến tới gần, ngỏ ý để chị Hằng đi nhờ. Sau hai lần anh ta ngỏ lời đề nghị, và thấy sự thân thiện của anh ta, chị Hằng buông lỏng cảnh giác, đồng ý lên xe.

Chiếc xe bắt đầu lăn bánh. Đi được một đoạn, người đàn ông bất ngờ lái xe quẹo sang trái. Lúc này, chị Hằng đã cảm thấy có điều bất thường và linh cảm dường như quyết định lên xe của chị là sai lầm. Sau đó, người đàn ông bắt đầu đưa tay đặt lên đùi chị Hằng, có hành vi sờ soạng khiếm nhã. Chị Hằng gạt tay người đàn ông, cố gắng hết sức để khiến anh ta không thể động chạm vào cơ thể.  "Mình lấy hết can đảm nhìn vào mắt anh ta. Thực sự lúc đó, nỗi sợ hãi bao trùm đầu óc mình. Mình đã nghĩ về khả năng xấu nhất là bị cưỡng hiếp. Mình không còn nghĩ được thêm điều gì, vô cùng hoảng loạn và quên rằng trên người có một con dao nhỏ và một bình xịt hơi cay”, chị Hằng nhớ lại thời khắc nguy hiểm.

Xe đi được một đoạn, người đàn ông dừng ở một góc phố vắng. Hắn quay người sang định lao vào người chị Hằng. Quá hoảng sợ, chị vội đưa tay mở cửa xe. Thật may, cánh cửa xe bên chị không bị khóa. Chị lao ra khỏi xe, bỏ chạy thục mạng, không dám quay đầu. Chị Hằng trốn ở những góc nhà dân ven đường để “cắt đuôi” người đàn ông, cố gắng tìm đường ra con đường chính.

Nạn nhân không dám lên tiếng vì... sợ cộng đồng mạng

Vốn là cô gái cá tính mạnh mẽ, dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn: Từ bỏ công việc ổn định lương cao, vượt qua sự phản đối của gia đình, bước qua những nỗi sợ của bản thân... để thực hiện giấc mơ khám phá thế giới, tuy nhiên 3 năm sau sự việc tại Ấn Độ, Thanh Thảo vẫn chưa sẵn sàng công khai câu chuyện. Khi chia sẻ sự việc, cô vẫn mong muốn có thể giữ bí mật thông tin cá nhân.

"Khi chia sẻ hành trình du lịch một mình, mình đã từng nhận được khá nhiều lời bình luận khiếm nhã, tiêu cực. Với sự việc quấy rối, tấn công tình dục, mình chưa đủ sẵn sàng để trực tiếp lên tiếng", cô cho biết.

Tương tự như Thảo, một nữ blogger du lịch khác cũng từng bị quấy rối tình dục khi ở nhờ nhà của người bản địa, tuy nhiên cô không dám công khai. Hai năm sau sự việc cô vẫn ám ảnh khi nhớ lại cảnh tượng người đàn ông trần truồng thản nhiên tiến vào phòng, leo lên giường cô và nói muốn ngủ cùng cô.

Mới đây, chị Đinh Hằng công khai chia sẻ sự việc suýt bị cưỡng hiếp khi đi nhờ xe trên báo VietNamNet và kênh Tiktok của mình. Chị cho biết, bản thân đã suy nghĩ rất lâu trước khi dám lên tiếng vì lường trước sẽ nhận được những bình luận vô cảm, cười cợt thậm chí tấn công từ một bộ phận cư dân mạng.

Sau chỉ 2 ngày chia sẻ, video kể sự việc của chị Hằng nhận về 1,3 triệu lượt xem với hơn 600 bình luận, 500 lượt chia sẻ. Trong đó có nhiều người để lại bình luận cợt nhả, tiêu cực như: "Ông nào có gu mặn thế?", "Sao chị không nói với tên đó: "Hãy chiếm lấy em đi",...

"Tôi đã suy nghĩ rất kĩ, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nên những lời công kích, tấn công đó không thể tác động tiêu cực tới tôi. Tôi cảm ơn vì vẫn có những người xa lạ thấu cảm, thông cảm, đứng về phía tôi để phản bác những lời lẽ tấn công tiêu cực. Tuy nhiên, chắc chắn có rất nhiều du khách, rất nhiều người là nạn nhân của xâm hại, tấn công tình dục vẫn sợ hãi, ám ảnh vì sự công kích của người khác", chị Hằng cho biết.

Chị Hằng đã suy nghĩ rất lâu trước khi công khai sự việc bị tấn công tình dục tại Mexico (Ảnh: NVCC)

Cách đây vài năm, chị từng có thời gian tham gia giúp đỡ, quyên góp cho một tổ chức chuyên giải cứu và nuôi dưỡng các bé gái là nạn nhân cảu tấn công tình dục: Cưỡng hiếp hoặc bán đi nước ngoài làm nô lệ tình dục. Sau khoảng thời gián, chị Hằng xót xa nhận ra phần lớn nạn nhân không dám lên tiếng bởi ba lí do. Thứ nhất, họ đã quá sợ hãi, cảm thấy nhục nhã về bản thân. Thứ hai, họ cảm thấy có lên tiếng cũng không ai tin họ, không ai đòi lại công lý cho họ. Và thứ ba, điều khủng khiếp nhất chính là những lời đổ lỗi, tấn công ngược nạn nhân.

"Họ tìm cách tấn công vào hành vi của nạn nhân (Chắc phải ăn mặc hở hang mới bị quấy rối; Ai bảo ngu khi đi bộ một mình về nhà trong đêm tối), tấn công trực diện vào tính cách nạn nhân (Chắc lả lơi ong bướm thì mới bị xâm hại; Chắc yếu đuối nên không phản kháng...) hoặc tấn công vào tình huống xảy ra sự việc (Ai bảo tham gia bữa tiệc nhậu say xỉn một mình...). Rất nhiều người cho rằng sự việc đau lòng xảy ra không phải do lỗi ai hết mà do chính nạn nhân. Họ quên mất điều vô cùng quan trọng, kẻ thủ ác mới đáng bị lên án và đưa ra trước pháp luật", chị Đinh Hằng nhận định. 

Theo chị Hằng, có nhiều người tin rằng thế giới công bằng, ở hiền gặp lành, việc xấu hiển nhiên chỉ xảy ra với người xấu. Do đó, khi sự việc xảy ran, họ sẽ tìm mọi cách "bới lông tìm vết" nhằm chứng minh rằng nạn nhân bị tấn công tình dục vì xứng đáng bị như thế. Từ đó tạo ra cảm giác "an toàn giả tạo" cho bản thân: Điều đó chỉ xảy ra với ai đó thôi không thể xảy ra với bản thân ta hay những người thân yêu quanh ta.

“Nhưng thế giới này không vận hành như vậy. Ngày hôm nay câu chuyện xảy ra với người nào đó xa lạ nhưng ngày mai có thể là người thân của bạn, bạn bè thậm chí là chính bạn nếu bạn không lên tiếng, chỉ tìm cách đổ lỗi và tấn công nạn nhân”, chị Hằng nói.

Đổ lỗi cho nạn nhân là củng cố sức mạnh cho kẻ phạm tội

Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã lý giải nguyên nhân của hành vi đổ lỗi cho nạn nhân các vụ quấy rối, tấn công tình dục.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trong mỗi cá nhân đều có cơ chế tâm lý tự phòng vệ. Tức là, khi đối diện tin xấu, chúng ta có xu hướng tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân để mình không trở thành nạn nhân tiếp theo. Với các vụ việc tấn công tình dục, nhiều người có tâm lý cho rằng nếu ăn mặc hở hang, đi đơn độc một mình buổi tối, tham gia các bữa tiệc nhậu... thì có nguy cơ cao bị xâm hại.  "Về mặt tâm lý, con người luôn tìm cách phòng vệ, rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Việc đổ lỗi nạn nhân đôi khi không phải lý tính mà là vô thức", vị chuyên gia này cho biết.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam cách thức đổ lỗi cho nạn nhân của một bộ phận người là cách thức bao biện. Thông thường, kẻ phạm tôi luôn tìm cách bao biện cho tội lỗi của bản thân. Người thân, quen biết, người hâm mộ… của tội phạm cũng tìm cách bao biện vì họ vốn quý mến, tin tưởng, kì vọng ở kẻ đó. Họ tấn công nạn nhân để bảo vệ người thân, bảo vệ niềm tin của bản thân. "Tại các quốc gia có nền văn hóa bất bình đẳng giới thì tình trạng đổ lỗi nạn nhân càng nhiều. Và khi nền văn hóa có nhiều quan niệm lệch lạc về tình dục, tự do lan truyền bằng văn hóa phẩm đồi trụy thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý thế hệ trẻ, dẫn đến những hành vi đổ lỗi, bao biện ngày càng phổ biến", ông Nam cho biết.

Theo vị chuyên gia này, việc đổ lỗi cho nạn nhân của tấn công tình dục gây ra những hệ lụy khôn lường. Khi đồng loạt bị người khác đổ lỗi, họ sẽ nảy sinh tâm lý tự đổ lỗi cho chính mình, tự quy trách nhiệm cho bản thân. 

"Đổ lỗi cho nạn nhân tức là củng cố sức mạnh cho kẻ phạm tội. Khi chúng biết có người đứng về phía chúng, chúng sẽ tìm cách ém nhẹm thông tin, tìm cách mua chuộc lòng thương, lợi dụng điều đó để đe dọa và thao túng tâm lý nạn nhân", ông Nam khẳng định.

Đổ lỗi cho nạn nhân là củng cố sức mạnh cho kẻ phạm tội (Ảnh minh họa)

Khi bị đổ lỗi và tự đổ lỗi thì nỗi đau của nạn nhân tăng lên gấp bội, họ sẽ chịu ảnh hưởng tâm lý lớn, khiến quá trình hồi phục tâm lý trở nên chậm, khó khăn hơn, thậm chí suy nghĩ độc hại về con người, thế giới, có thể dẫn đến hành động cực đoan - tự tử. Hành vi đổ lỗi nạn nhân cũng chính là nguyên nhân khiến cho nạn nhân không dám tìm kiếm sự giúp đỡ, không dám lên tiếng đấu tranh. "Họ có thể nảy sinh tâm lý cho rằng nếu tố giác, tội ác của tội phạm bị phơi bày thì họ cũng sẽ bị trừng phạt. Điều này tạo cơ hội cho những kẻ phạm tội tiếp tục nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tiếp tục những hành động sai trái", vị chuyên gia cho hay.

Chị Đinh Hằng cho biết, dù biết rõ khi công khai sự việc bị tấn công tình dục sẽ nhận được hàng loạt bình luận cười cợt, vô cảm, đổ lỗi nhưng việc lên tiếng là cách chị đứng lên đấu tranh cho chính mình và rất nhiều nạn nhân khác.

"Sự việc tấn công, quấy rối tình dục diễn ra rất phổ biến nhưng lâu nay ít người dám lên tiếng vì sợ bị đổ lỗi, tấn công ngược. Tôi muốn chia sẻ để động viên các nạn nhân: "Đừng rụt rè, đừng sợ hãi, hãy lên tiếng, chúng ta không làm gì sai cả. Người đáng bị lên án là kẻ thủ ác"", chị Hằng nhấn mạnh.