Phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh tại phiên khai mạc hội nghị tỉnh ủy lần thứ 11, ngày 5/7.

Kính thưa các đồng chí đại diện cơ quan Trung ương,

Kính thưa các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị.

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa và chương trình công tác của Tỉnh ủy năm 2022, hôm nay Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị lần thứ 11 khóa XVIII để thảo luận, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trước hết, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại diện cơ quan Trug ương, Tỉnh ủy viên và các đồng chí đại biểu đã đến dự Hội nghị của chúng ta ngày hôm nay.

Kính thưa các đồng chí,

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 diễn ra trong bối cảnh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đang chung sức đồng lòng, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, GRDP của tỉnh tăng 12,58%, tốc độ tăng trưởng đứng thứ 5 cả nước (chỉ đứng sau Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Quảng Nam), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,6%, đạt 40.550 tỷ đồng (tương đương 65,7% kế hoạch năm 2022); thu ngân sách nhà nước đạt 8.360 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán và tăng 15% so với cùng kỳ. Ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa đã có sự hồi phục ấn tượng, Nha Trang - Khánh Hòa dần trở thành điểm đến nổi tiếng đối với người dân cả nước cũng như khách du lịch quốc tế với doanh thu du lịch đạt 5.549,8 tỷ đồng, tăng 209,4% so với cùng kỳ (tương đương 138,74% kế hoạch năm 2022), số lượt khách lưu trú tăng 116,3%, thu hút 42,5 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 122,5% so với cùng kỳ; số lượng chuyến bay quốc nội đến sân bay Cam Ranh đã vượt qua đợt cao điểm năm 2019, một số chuyến bay quốc tế đã được tiếp tục khai thác trở lại. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 31,4%, đạt 790,1 triệu USD; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11,3%, đạt 26.293 tỷ đồng; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước... Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm bảo đảm; tỉnh đã tổ chức tiêm hết vắc xin phòng COVID-19 đến hạn ngày 30/6/2022, không để xảy ra tình trạng quá hạn vắc xin (đến nay, trong tổng số 952.940 người từ 18 tuổi trở lên, đã có 461.168 người được tiêm mũi 3, đạt tỷ lệ 48,39%, 103.811 người được tiêm mũi 4, đạt tỷ lệ 10,89%); an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng được giữ vững. Có thể khẳng định rằng, đây là những tín hiệu rất tích cực, là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, trước hết là sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 3, với tỷ lệ phiếu biểu quyết cao, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, tại phiên họp ngày 16/6/2022, đã có 477/480 đại biểu Quốc hội biểu quyết đồng ý, không có đại biểu nào không đồng ý và 03 đại biểu không biểu quyết, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để mở ra cơ chế huy động nguồn lực, tạo sự đột phá phát triển của tỉnh Khánh Hòa, sớm đưa Khánh Hòa trở thành cực tăng trưởng của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Đây cũng là công việc nhằm sớm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cũng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 58/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 với chiều dài 117,5km, nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, tạo động lực, không gian phát triển cho Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa nói riêng và vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.

Hôm nay, để có cơ sở tiếp tục thực hiện nhiều công việc quan trọng của tỉnh trong thời gian tới, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 sẽ thảo luận, cho ý kiến và xem xét thông qua các nội dung như sau:

Thứ nhất, về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

1. Tỉnh ủy sẽ xem xét, cho ý kiến vào:

(i) báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022;

(ii) báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022;

(iii) báo cáo tình hình thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2022 và ước thực hiện thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, phương án điều hành ngân sách năm 2022.

Trên cơ sở kết quả thảo luận tại Hội nghị này, Tỉnh ủy sẽ xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm và định hướng một số nhiệm vụ cần quan tâm trong thời gian tới để Ban cán sự đảng UBND tỉnh tập trung triển khai thực hiện.

2. Về công tác quy hoạch, Tỉnh ủy sẽ xem xét, cho ý kiến vào Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp, cho ý kiến nhiều lần và có kết luận về một số định hướng lớn, giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu liên quan để trình Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến tại hội nghị ngày hôm nay; trong đó có một số nội dung quan trọng như tầm nhìn chiến lược, việc mở rộng quỹ đất khu công nghiệp trong khu kinh tế, việc bố trí tái định cư, nhà ở xã hội; việc chuyển đổi nghề nghiệp bảo đảm sinh kế cho người dân; việc bố trí quỹ đất dự trữ cho định hướng phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Bắc Vân Phong…

Thứ hai, về một số chương trình hành động của Tỉnh ủy,

Tỉnh ủy sẽ thảo luận, thông qua:

(i) Dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(ii) Dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã họp, cho ý kiến vào các dự thảo Chương trình hành động và đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo việc hoàn thiện dự thảo để trình Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến ngày hôm nay.

 Thứ ba là nhóm các nội dung liên quan đến công tác cán bộ

1. Tỉnh ủy sẽ nghe báo cáo kết quả lấy ý kiến phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch, danh sách nhân sự đủ điều kiện để lựa chọn, giới thiệu quy hoạch Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030.

2. Tỉnh ủy sẽ thảo luận, bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thứ tư là nhóm các nội dung liên quan đến xây dựng Đảng

1. Tỉnh ủy sẽ thảo luận, thông qua đề xuất điều chỉnh nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Thực hiện Quy chế làm việc và quy định của Đảng, Tỉnh ủy sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 và dự thảo Báo cáo một số hoạt động trọng tâm của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy từ Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 đến Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11. Riêng nội dung này, đề nghị các đồng chí nghiên cứu và cho ý kiến trực tiếp vào văn bản để tiếp thu, hoàn thiện.

Kính thưa các đồng chí,

Thực hiện chủ trương đổi mới phương thức làm việc, trừ nội dung công tác cán bộ và Đồ án Quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong, các nội dung khác sẽ không trình bày tại Hội nghị ngày hôm nay, đề nghị các đồng chí tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến, nhất là nội dung liên quan đến tình hình công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tại hội nghị ngày hôm nay, tôi xin có một số gợi ý để các đồng chí nghiên cứu, tham khảo và tham gia ý kiến phát biểu thảo luận:

Thứ nhất, 6 tháng cuối năm 2022 không chỉ triển khai các công việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội như thường lệ, mà còn là thời gian tập trung triển khai các Nghị quyết của Trung ương (Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Thông báo số 97/TB-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nhất là Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa chỉ có hiệu lực trong 05 năm và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/8/2022. Vậy chúng ta cần làm gì? Phải tập trung vào những công việc trọng tâm nào? Phải chăng là việc rà soát nhu cầu đầu tư, xác định lại các nguồn lực gắn với mục tiêu và cơ chế, chính sách mới? Phải chăng là việc thiết kế căn cơ hơn kế hoạch một tổng thể và từng bước đi cụ thể để bước đường đi của chúng ta phải luôn hướng tới đích nhưng phải luôn minh định, rõ ràng, có cơ chế kiểm tra, đánh giá định kỳ để có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, phù hợp?

Thứ hai, chúng ta đã có một loạt chủ trương, chính sách, cơ chế mới của Trung ương đã tạo động lực phát triển mới, khí thế mới, tầm vóc mới cho tỉnh Khánh Hòa. Vậy cơ quan lãnh đạo cao nhất của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, từng đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các đồng chí lãnh đạo của Sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương có suy nghĩ gì, sáng kiến gì để trên từng vị trí công tác có thể nắm bắt được thời cơ mới này, để quyết tâm biến chủ trương, chính sách, cơ chế Trung ương cho chúng ta thành của cải vật chất, thành giá trị tinh thần, giúp cho nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, tỉnh Khánh Hòa ngày càng giàu mạnh, tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030? Phải chăng trước hết đó là việc quan tâm đến công tác cán bộ, từ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bố trí nhân sự đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh mới và đổi mới thực chất phương thức lãnh đạo của cấp ủy, cách thức điều hành của chính quyền, sự tham gia phản biện, giám sát hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội?

Thứ ba, thời cơ lớn, thách thức nhiều, chúng ta không thể thành công nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học. Vậy chúng ta phải làm gì để việc làm của chúng ta không chỉ là trí tuệ của tập thể Ban Chấp hành, tập thể UBND tỉnh, mà phải là trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Phải chăng đó là việc chuyển đổi số phải mạnh mẽ, nhanh chóng để xóa đi khoảng cách mà chúng ta đã lỡ nhịp so với các địa phương bạn? Phải chăng là sự xem xét, đánh giá và quyết tâm đưa các chỉ số PCI, PAPI, PAR-index… phải trở lại nhóm đầu, tương xứng với vị thế của Khánh Hòa? Phải chăng cần thiết lập cơ chế tương tác thuận lợi, gần gũi, hiệu quả giữa cơ quan công quyền với các doanh nghiệp, với báo chí truyền thông, với các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân để các điểm nghẽn có thể khơi thông kịp thời, để người dân luôn cảm nhận được sự đồng hành của chính quyền trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội….

Thứ tư, Khánh Hòa đang đứng trước cơ hội phát triển mới, tuy nhiên đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế là hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên và tác động đến môi trường….. Trong khi đó, chúng ta xác định mục tiêu tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, và phải phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 09/NQ-TW, đó là xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hoà phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên biển; bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Vậy chúng ta cần phải làm gì để phát triển bền vững? Phải chăng cần một Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế phối hợp để huy động sự tham gia rộng rãi của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để chúng ta hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững.

Thưa các đồng chí,

Những nội dung trình tại Hội nghị Tỉnh ủy lần này là những vấn đề rất lớn, rất quan trọng đối với việc thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về Khánh Hòa và đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm. Đề nghị từng đồng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, đóng góp những ý kiến sâu sắc vào các vấn đề trọng tâm xin ý kiến và các vấn đề khác để kết thúc thành công Hội nghị ngày hôm nay, chúng ta sẽ có những định hướng, chủ trương, cơ chế, chính sách mới để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương đối với Khánh Hòa.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVIII, chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.