Quyền Chủ tịch Viettel Lê Đăng Dũng cho biết, với cuộc cách mạng di động trong 15 năm qua, Viettel đã biến di động trở thành bình dân, phổ cập, ai cũng có thể sở hữu một chiếc điện thoại, thay thế cho mọi hình thức liên lạc cũ. |
Ngày 14/10/2019, Viettel Telecom tổ chức sự kiện “Hành trình 15 năm di động Viettel – Chuyển dịch số - Khởi động hành trình mới” nhằm đánh dấu 15 năm Viettel chính thức kinh doanh dịch vụ thông tin di động.
Ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết, hơn 15 năm trước, Viettel đã có một khát vọng lớn, một quyết định lịch sử, đó là đầu tư vào di động. Thay vì lựa chọn con đường ít chông gai hơn là liên doanh với nước ngoài, Viettel đã chọn việc khó là tự lực, tự cường và từng bước tạo nên những mốc son trong lịch sử ngành Viễn thông - Công nghệ thông tin Việt Nam. Các thế hệ lãnh đạo khi đó đã tìm ra những hướng đi mang tính quyết định, để tạo ra sự phát triển vượt bậc của Viettel như: Hạ tầng đi trước kinh doanh đi sau, lấy nông thôn bao vây thành thị, chủ động xây dựng hạ tầng mạng lưới và tổ chức kinh doanh, chủ động thu xếp nguồn vốn để mua thiết bị một cách thông minh và linh hoạt.
“15 năm qua, Viettel đã gắn liền với tên tuổi, nhà mạng tạo ra sự bùng nổ về viễn thông-công nghệ thông tin, góp phần đưa mật độ thâm nhập di động trên dân số, từ dưới 5% vào năm 2004, lên tới trên 100% vào năm 2009. Viettel đã bình dân hóa dịch vụ di động, giúp mọi người dân, dù giàu hay nghèo, dù ở thành phố hay nông thôn, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo đều có thể dùng điện thoại di động, để liên lạc, học tập nâng cao tri thức, giải trí…”, ông Cao Anh Sơn nói.
Tại sự kiện này, Chủ tịch Viettel Lê Đăng Dũng phát biểu “Chúng ta nói rất nhiều về hai chữ - sáng tạo, nhưng bản thân sáng tạo cũng có 3 cấp độ. Sáng tạo mang tính cải cách, giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả. Sáng tạo mang tính thay đổi, là tạo ra những thứ mới nhưng không thay thế hết được những cái đã có, ví dụ cách đây 26 năm khi mạng di động ra đời tại Việt Nam, nhưng lúc đó lại là một dịch vụ xa xỉ, chưa thể phổ cập đến mọi người dân, do đó nó chưa thể thay thế được dịch vụ điện thoại cố định, một dịch vụ có giá cước rẻ hơn nhiều. Và cấp độ cuối cùng, cấp độ cao nhất, là sáng tạo mang tính đột phá, nó phá huỷ toàn bộ những khái niệm truyền thống, tạo nên một cái mới, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống con người và xã hội. Đó là điều Viettel đã làm được với cuộc cách mạng di động trong 15 năm qua, Viettel đã biến di động trở thành bình dân, phổ cập, ai cũng có thể sở hữu một chiếc điện thoại, thay thế cho mọi hình thức liên lạc cũ. Tôi tin rằng mỗi người chúng ta trong hội trường này đều cảm nhận rõ ràng cuộc sống của mình đã thay đổi từ khi mạng di động Viettel ra đời. Và người Viettel chúng ta tự hào là nhân tố đã tạo nên kỳ tích đó. Và chắc chắn rằng cán bộ, công nhân viên Viettel Telecom luôn là người tự hào nhất”.
Ông Lê Đăng Dũng nói tiếp: “Sau 15 năm nhìn lại, chúng ta lại thấy công cuộc đột phá di động cũng chỉ là khởi đầu của một chuỗi đột phá mới. Ngày hôm nay chúng ta đang thực hiện một hành trình sáng tạo mang tính đột phá mới, hành trình hiện thực hoá cuộc sống số, xây dựng xã hội số. Viettel đang chuyển đổi từ nhà khai thác viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số, cung cấp các dịch vụ thực tế ảo, thông minh hoá mọi đồ vật, thay đổi một cách triệt để cách chúng ta đang sống và làm việc. Lúc này mạng viễn thông vẫn là hạ tầng nền tảng, tuy nhiên sự sáng tạo lại là việc tạo ra các dịch vụ số mới, phong phú, thiết thực với con người”.
Chủ tịch Viettel cho rằng, những bước tiến quan trọng của Viettel trong công cuộc chuyển đổi số là phủ sóng mạng 4G rộng khắp, đã cung cấp thử nghiệm dịch vụ 5G, triển khai rộng kết nối IoT, ứng dụng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… Viettel cũng áp dụng những dịch vụ số phục vụ khách hàng như: My Viettel, Viettel ++, Viettelpay, Mocha, Mygo,...Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số mới chỉ bắt đầu, chúng ta còn một chặng đường dài để tạo nên một nền kinh tế số, một xã hội số ở Việt Nam.
Trước những chặng đường mới của Viettel, Chủ tịch Viettel chia sẻ về niềm tin để thực hiện những nhiệm vụ trong tương lai: “Tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của mình, vì tôi đã thấy những con số rất tích cực, tiền đề cho nền tảng chuyển đổi số thành công. Tỉ lệ tăng trưởng data trong 3 năm gần đây đều ở mức trên 30%/năm, băng thông và lưu lượng người dùng liên tục tăng cao từ 3-5 lần, số lượng smartphone tăng rất nhanh, điều ấy có nghĩa là cả xã hội đã sẵn sàng và háo hức cho công cuộc chuyển đổi số, nhiệm vụ của chúng ta là phải nhanh chóng tạo ra các nền tảng và dịch vụ số để đáp ứng yêu cầu đó. Không chỉ như vậy, hiện tại, chúng ta đã có một bộ máy được điều chỉnh theo mô hình tiên tiến nhất thế giới, có mục tiêu và kế hoạch triển khai hết sức rõ ràng cho lộ trình chuyển đổi số tại từng đơn vị, và còn có sự ủng hộ rất lớn của người dân cũng như các bộ, ban ngành Chính phủ. Với nền tảng vững vàng như vậy, chỉ cần chúng ta kiên định con đường chuyển đổi số, bắt đầu từ việc số hoá việc quản trị doanh nghiệp, xây dựng văn hoá số, đổi mới tư duy và hành động”.
Chia sẻ về mục tiêu trong giai đoạn mới, ông Cao Anh Sơn cho biết, Viettel Telecom đặt mục tiêu trở thành một telco số, có trải nghiệm khách hàng số 1 tại Việt Nam, bùng nổ điện thoại thông minh tới 100% người dân và dịch vụ Iternet kết nối vạn vật – IoT, chiếm 50% số lượng thiết bị kết nối tại Việt Nam vào năm 2025. Viettel Telecom sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng vùng phủ 4G, 5G để duy trì vị trí nhà mạng data lớn nhất, tốc độ cung cấp tới người dùng ở mức 1,5 Gbps vào năm 2025, tức là gấp hàng trăm lần tốc độ 4G hiện tại.