Mới đây, tại Trường Đại học Tổng hợp Warszawa, Ba Lan đã diễn ra Hội thảo quốc tế lần thứ hai với chủ đề "Biển Đông, Việt Nam - Nghiên cứu, hợp tác và phát triển", kết hợp triển lãm ảnh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sự kiện đã thu hút hơn 100 học giả, nhà nghiên cứu đến từ Ba Lan, Hungary, Pháp, Đức, Việt Nam cùng khách mời và đại diện các hội đoàn của người Việt Nam tại Ba Lan và châu Âu để giới thiệu và trao đổi các nghiên cứu liên quan đến Biển Đông, nhằm tăng cường hiểu biết về Biển Đông cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước châu Âu cũng như bạn bè quốc tế.

Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải đánh giá hội thảo “Biển Đông: Hợp tác nghiên cứu và phát triển” là một sáng kiến kịp thời và quan trọng trong bối cảnh hiện nay. 

Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh và sự phát triển của Việt Nam. Do đó, việc tổ chức hội thảo này giúp chia sẻ kiến thức và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề quan trọng liên quan đến Biển Đông, đồng thời thúc đẩy tinh thần đoàn kết cộng đồng người Việt Nam và huy động các nguồn lực hỗ trợ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

W-biendong.png
Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh và sự phát triển của Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông nhấn mạnh: Là quốc gia ven biển, có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam đã và đang thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cả phương diện song phương, khu vực và đa phương trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 vì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển.

Với chủ đề "Biển Đông, Việt Nam - Nghiên cứu, hợp tác và phát triển", được chia làm 3 phiên, với 8 diễn giả, trình bày 9 tham luận, liên quan đến các nội dung cập nhật diễn biến tình hình trên Biển Đông, vai trò của luật quốc tế trong tranh chấp chủ quyền, cơ hội thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu khoa học tại Biển Đông, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị cho nhiều bên, nhằm duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực và quốc tế.

Các phiên thảo luận mang tính học thuật của Hội thảo được trình bày, trao đổi một cách cởi mở, khách quan, bao quát được tình hình, ứng xử của các bên, căn cứ pháp lý...

Chủ trương, chính sách nhất quán, rõ ràng của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển là “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển.

PV t/h