Theo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2050 Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống đô thị có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

W-Cảng cá Lạch Bạng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa 4 (used).jpg
Đến năm 2050 Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển. Ảnh: Lê Anh Dũng

Để đạt mục tiêu trên, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế biển; phát triển mạnh một số ngành công nghiệp như bán dẫn, sản xuất chip, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sạch...

Đồng thời sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của vùng. Hoàn thiện công trình kết cấu hạ tầng; đưa ra các chính sách khuyến khích người dân bám biển; xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mang lại hiệu quả trên các vùng biển có điều kiện thuận lợi, tiềm năng cao, gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, phát huy tối đa lợi thế của vùng.

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ tập trung phát triển vùng động lực miền Trung là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của vùng; phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây nhằm kết nối hiệu quả các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển tại các tỉnh trong vùng; nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác của 9 cảng hàng không hiện có trong vùng...

Song song với đó, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước theo 3 khu vực động lực phát triển du lịch quốc gia gồm:  Khu vực Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An; khu vực Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; và khu vực Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận. 

Ngoài ra, sẽ tăng cường liên kết phát triển du lịch với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ theo hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông.

Sẽ phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi...

PV