Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các kế hoạch đối ngoại từ Trung ương tới địa phương đều bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động phải hủy, hoãn.
Nhưng với tinh thần sáng tạo và quyết tâm cao, Bộ Ngoại giao đã cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai công tác đối ngoại một cách linh hoạt, sáng tạo đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu kép là phòng, chống dịch và duy trì phục hồi, tăng trưởng kinh tế, xã hội.
Vải thiều Việt Nam trên kệ hàng siêu thị Nhật Bản. |
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vừa có bài viết tựa đề: “Công tác hỗ trợ đối ngoại địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước: kết quả triển khai năm 2020 và định hướng năm 2021” của Ủy viên Trung ương Đảng.
Thứ trưởng viết, năm 2020, sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác tác động to lớn chưa từng thấy trên phạm vi toàn cầu, làm đảo lộn nhiều chu trình kinh tế-xã hội, đẩy kinh tế thế giới vào khủng hoảng, đình trệ sản xuất và thương mại, thách thức tiến trình toàn cầu hóa và làm gia tăng cọ xát, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong môi trường quốc tế và khu vực đầy thách thức và khó khăn như vậy, Bộ Ngoại giao đã sớm chủ động hướng dẫn, phối hợp với các địa phương nắm bắt diễn biến tình hình, bám sát các nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của đất nước và địa phương, khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án triển khai công tác đối ngoại phù hợp với tình hình mới và các tình huống phát sinh đảm bảo triển khai đồng đều công tác đối ngoại địa phương trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin tuyên truyền, biên giới lãnh thổ, lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác phi chính phủ nước ngoài.
Các chuyến thăm làm việc của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao tại các địa phương được tăng cường (99 chuyến công tác tới 48/63 tỉnh, thành) để trực tiếp trao đổi với Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tình hình quốc tế và định hướng công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các kế hoạch đối ngoại từ Trung ương tới địa phương đều bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động phải hủy, hoãn.
Nhưng với tinh thần sáng tạo và quyết tâm cao, Bộ Ngoại giao đã cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai công tác đối ngoại một cách linh hoạt, sáng tạo đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch và duy trì phục hồi, tăng trưởng kinh tế, xã hội.
Trong công tác phòng chống dịch, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc, Lào, Campuchia phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và địa phương Việt Nam, các cơ quan và địa phương đối tác nước bạn triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để vừa giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh, nhất là các vấn đề nhân đạo và y tế liên quan tới COVID-19, vừa đảm bảo duy trì ổn định đường biên, trật tự xã hội, an ninh y tế khu vực biên giới, trên cơ sở giữ vững chủ quyền, tuân thủ các quy định pháp lý và không làm ảnh hưởng đến không khí hợp tác chung.
Thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch, Bộ Ngoại giao đã hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với nhiều địa phương trên cả nước thực hiện tốt công tác đón và tổ chức cách ly đối với công dân Việt Nam và khách quốc tế nhập cảnh, trong đó có nhiều đoàn khách cấp cao quan trọng của nước ngoài như đoàn Thủ tướng Lào, Thủ tướng Nhật Bản, Ngoại trưởng Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ…
Biến “nguy” thành “cơ”
Với tinh thần biến “nguy” thành “cơ,” khi dịch COVID-19 lan rộng ra các nước trong khi nguồn thiết bị y tế khan hiếm, Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ các địa phương triển khai mạnh mẽ hoạt động hỗ trợ nhân đạo thiết bị và vật dụng y tế cho các địa phương đối tác nước ngoài.
Theo thống kê sơ bộ, đã có gần 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam đã hỗ trợ cho gần 50 địa phương của 21 nước trên thế giới, được các đối tác nước ngoài trân trọng và đánh giá rất cao.
Việc làm này vừa thể hiện được tinh thần tương thân tương ái truyền thống của dân tộc Việt Nam, vừa góp phần quan trọng quảng bá thành tựu phòng chống dịch bệnh của nước ta bên cạnh tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước, con người, môi trường đầu tư kinh doanh và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, đặc biệt hơn là duy trì và củng cố quan hệ với các đối tác nước ngoài.
Không để dịch COVID-19 cản trở đà hội nhập quốc tế đang lan tỏa tích cực tại các địa phương trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực sáng tạo, hỗ trợ các địa phương đổi mới phương thức kết nối nhằm duy trì và tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch hợp tác.
Việc thúc đẩy xuất khẩu quả vải thiều Lục Ngạn của ta sang thị trường Nhật Bản là một ví dụ điển hình.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, tưởng như vải thiều Lục Ngạn sẽ “lỡ hẹn” với Đất nước Mặt Trời mọc.
Nhưng với quyết tâm cao, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã thuyết phục phía Nhật Bản vận dụng tối đa mọi khả năng pháp lý và kỹ thuật của hai nước, vượt mọi khó khăn, đưa các chuyên gia Nhật Bản tới Bắc Giang trong tháng 6/2020, thực hiện cách ly 2 tuần theo đúng quy định, sau đó triển khai đúng tiến độ các khâu kiểm định đóng gói, khử khuẩn cuối cùng, để 200 tấn vải thiều tươi của Việt Nam chính thức đến với người tiêu dùng Nhật Bản.
Cùng lúc đó, nhiều tọa đàm, hội thảo quảng bá vải thiều Lục Ngạn được lên kế hoạch từ trước đã nhanh chóng được chuyển sang tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Thành công này không chỉ giúp giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc sản này tăng 40%, nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần khẳng định và nâng cao thương hiệu chất lượng nông sản Việt Nam trên thế giới.
Trong bối cảnh các kế hoạch trao đổi đoàn quốc tế bị ngưng trệ, Bộ Ngoại giao đã đề xuất và hỗ trợ các địa phương mở rộng duy trì kết nối, gặp gỡ, tọa đàm trực tuyến để thúc đẩy các chương trình hợp tác đang theo đuổi, tập trung củng cố và khai thác mạnh mẽ các đối tác nước ngoài có mặt tại Việt Nam, đặc biệt tạo điều kiện để các địa phương tiếp cận, kết nối tối đa với với các đoàn cấp cao tới thăm Việt Nam trong năm qua.
Bộ đã vận động nhiều đại diện các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức và đối tác nước ngoài tại Việt Nam tới dự các Hội nghị xúc tiến đầu tư mà một số địa phương đã tổ chức.
Riêng Bộ Ngoại giao đã chủ trì và phối hợp tổ chức trên 30 hội nghị, tọa đàm quốc tế trong chuỗi hoạt động năm ASEAN, giới thiệu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ,” “Giới thiệu địa phương”... mời đông đảo lãnh đạo các địa phương và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tham dự và tương tác, kết nối.
Song song với các sự kiện đó, các địa phương đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tạo điều kiện cho hơn 66 đoàn phóng viên nước ngoài với khoảng 400 lượt phóng viên vào tác nghiệp tại các địa phương, thường xuyên hỗ trợ địa phương trong công tác thông tin đối ngoại và kinh tế đối ngoại dưới nhiều hình thức.
Thanh Tùng lược trích