Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong thời gian qua, đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc cũng như các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

{keywords}
Chính phủ, Thủ tướng được quyết định biện pháp đặc biệt để chống dịch

Chính phủ, Thủ tướng cũng được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.

Quốc hội cho phép chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch và quyết toán vào chi ngân sách Nhà nước năm 2021.

Quốc hội cũng cho phép Chính phủ ưu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Ngoài ra, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường phân cấp cho các địa phương để bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19.

Trong quá trình thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, tổ chức triển khai các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Căn cứ tình hình thực tế và nếu thấy cần thiết, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).

Nhiều giải pháp vượt qua đại dịch

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động kịp thời của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của Chính phủ, sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước trong việc phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Về đề xuất về một số biện pháp phòng chống dịch, qua ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường cho thấy Quốc hội và cá nhân mỗi đại biểu Quốc hội luôn sẵn sàng đồng hành cùng với cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung và đề xuất một số biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 để đưa vào nghị quyết kỳ họp của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới

Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với bối cảnh nhiệm vụ, giải pháp như báo cáo của Chính phủ, thống nhất với 23 chỉ tiêu kinh tế-xã hội giai 2021-2025 Chính phủ đề xuất và cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay nhiều chỉ tiêu đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao nên cần bám sát và triển khai một cách toàn diện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, kiên trì thực hiện mục tiêu kép phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó nhấn mạnh kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh đẩy nhanh thực hiện chiến lược vắc xin để khống chế dịch bệnh... 

Trước Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) bày tỏ đồng tình với việc Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ “ra trận” để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đại biểu tin tưởng cuộc chiến chống dịch sẽ thành công.

Bên canh đó, các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đánh giá cao việc Chính phủ đã sớm chỉ đạo các địa phương này có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm chống dịch nhưng không “ngăn sông cấm chợ”.

Đại biểu kiến nghị, Chính phủ triển khai phần mềm liên thông để kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát sức chống chịu của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ trong thời gian sắp tới.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy giải ngân gói 26 nghìn tỷ để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng pháp luật…

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch 5 năm được Chính phủ xây dựng cụ thể, có tính toán, cân nhắc kỹ và đề ra nhiều giải pháp mang tính khả thi cao.

Đại biểu đề nghị, trong kiên định thực hiện mục tiêu kép, thời gian tới, Chính phủ dành sự quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, thi công các dự án giao thông mang tính kết nối liên vùng cũng như quan tâm đầu tư cho các dự án thủy lợi để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt đông sản xuất nông nghiệp – một bệ đỡ, một ngành kinh tế chủ lực của đất nước.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy