Hoàng Lê Minh, Chủ tịch – Giám đốc Công ty TNHH MV&PARTNERS.

Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số.

Sau đây VietNamNet xin giới thiệu bài viết của ông Hoàng Lê Minh, Chủ tịch – Giám đốc Công ty TNHH MV&PARTNERS, nói về việc hiểu đúng Chuyển đổi số hiện nay.

Hiểu đúng Chuyển đổi số

Khi chúng ta gõ từ khóa “chuyển đổi số”, ngay lập tức sau 0,66 giây Google trả về 213.000.000 kết quả với đủ các nội dung từ các nhà cung cấp công nghệ, đào tạo, tư vấn, thông tin báo chí…

Khi gõ vào từ khóa bằng tiếng Anh “digital transformation”, sau 0,76 giây kết quả trả về với con số 650,000,000.

Tiếng Anh dùng cho toàn cầu nhưng cũng chỉ hơn tiếng Việt 3 lần kết quả, điều đó nói lên mức độ truyền thông của các tổ chức đã sử dụng từ “chuyển đổi số” cao đến mức như thế nào? 

Vậy hiểu như thế nào về từ “chuyển đổi số”?

Tiếng Anh quốc tế đang dùng là “digital transformation”, nhưng khi chúng ta tìm hiểu thì thế giới cũng đang tranh cãi về chuyển đổi số là gì? Các giai đoạn như thế nào?

Trở lại tiếng Việt, từ “chuyển đổi số” được sử dụng rộng rãi hiện nay, cũng đang có nhiều người thắc mắc và chưa hiểu biết rõ ràng về từ ngữ. 

Để “bình dân” hóa chuyển đổi số tôi tạm thời sử dụng câu “chuyển đổi với công nghệ 4.0”, thay vì “chuyển đổi số”, để giải thích rõ hơn chuyển đổi số là gì.

Tại sao lại là “chuyển đổi với công nghệ 4.0”? Bởi trong câu mô tả rõ 2 vấn đề: Chuyển đổi và công nghệ 4.0.

Nhân loại chúng ta đã chuyển đổi từ nền công nghiệp 1.0 bắt đầu từ khoảng năm 1784, tiếp theo đó các nền công nghiệp 2.0 và 3.0. Đến năm 2013 bắt đầu xuất hiện khái niệm công nghiệp 4.0 với cốt lõi công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Trong đó kỹ thuật số phát triển với tốc độ “siêu tốc” thông qua các yếu tố: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT) và Dữ liệu lớn (Bigdata) – được gọi là công nghệ 4.0.

Bất kỳ giai đoạn công nghiệp phát triển nào trong lịch sử diễn ra, đi theo đó là sự chuyển đổi các hình thức hoạt động trong đời sống của nhân loại phù hợp với từng giai đoạn đó. Tới thời điểm hiện nay, chúng ta đang ở trong thời kỳ đầu của nền công nghiệp 4.0 với sự nổi bật của công nghệ 4.0, tất nhiên chúng ta cũng chuyển đổi để phù hợp theo sự phát triển công nghiệp 4.0. Đấy là lý do của từ chuyển đổi ra đời.

Như vậy có thể chúng ta tạm hiểu “digital transformation” hay “chuyển đổi số” là “chuyển đổi với công nghệ 4.0”, tức là chuyển đổi mọi hình thức hoạt động trong đời sống của mình thông qua tận dụng sự phát triển của công nghệ, ở đây là công nghệ 4.0, để có được kết quả tốt hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn cũng là một điều thực tế khách quan.

Chuyển đổi với công nghệ 4.0 là gì?

Vậy chuyển đổi với công nghệ 4.0 là gì? Ai chuyển đổi? và chuyển đổi cho ai?

Không có một đáp án chung cụ thể nào để mô tả hết những câu hỏi trên, mà câu trả lời phải được thực hiện trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực cụ thể. Nhưng để chuyển đổi với công nghệ chúng ta bắt buộc có 2 yêu cầu phải có: Chuyển đổi và công nghệ! Điều thú vị là hiện nay hầu như các hộ gia đình ở Việt Nam chúng ta đều có công nghệ trong tay, ít nhất một thiết bị kết nối Internet là smartphone – công nghệ đã sẵn sàng trong mọi gia đình, điều còn thiếu đấy chính là chuyển đổi. Vậy chuyển đổi gì sẽ đem lại lợi ích cho người dân? Với doanh nghiệp?

Với người dân:

Về thủ tục hành chính:

Nếu chính quyền các cấp số hóa, chuyển đổi lên môi trường số, tối đa hóa các giao dịch giữa người dân và cơ quan hành chính thông qua môi trường số, rõ ràng lợi ích to lớn đến với người dân. Vậy ở đây người chuyển đổi chính là chính quyền và chuyển đổi chính để tạo sự thuận lợi cho người dân. Chúng ta đã có những thành quả nhất định, nhưng cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền. Một điểm sáng trong chuyển đổi lên môi trường số ở cấp chính quyền địa phương là TP Huế với app HueS.

Về hoạt động y tế:

Nếu các bệnh viện số hóa, chuyển đổi lên môi trường số, thì hỗ trợ người bệnh với những lợi ích to lớn. Từ việc “xếp hàng” khám online thay vì đến bệnh viện từ giữa đêm để “đặt gạch”, hay xây dựng hồ sơ bệnh nhân số cho phép theo dõi liền mạch và tránh lãng phí thời gian, tài chính của người bệnh, hay kết nối giữa tuyến Trung ương và địa phương để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh… Như vậy chuyển đổi ở đây là Bệnh viện và người hưởng lợi chính là người bệnh, người dân.

Về giáo dục:

Nếu Nhà trường số hóa, chuyển đổi lên môi trường số bằng công nghệ 4.0, thì lợi ích to lớn đến học sinh. Sử dụng công nghệ để đưa vào lớp học, thay đổi hình thức dạy học để tạo sự hấp dẫn học tập cho học sinh, sinh viên. Cho phép giáo viên cùng khối, cùng khoa làm việc theo nhóm để xây dựng bài giảng, vừa giảm tải soạn giáo án cho giáo viên, vừa có bài giảng tốt nhất. Cho phép học sinh học kết hợp online và trực tiếp tại lớp để đưa đến sự phục vụ tốt nhất. Xây dựng tài nguyên học liệu trực tuyến, cung cấp cho học sinh, sinh viên truy cập mọi lúc, mọi nơi… Khi nhà trường chuyển đổi thì người hưởng lợi chính là học sinh, sinh viên.

Với doanh nghiệp:

Dựa trên công nghệ 4.0, để chuyển đổi, mỗi doanh nghiệp có những bước đi phù hợp là điều hết sức cần thiết, nếu doanh nghiệp không thực hiện chuyển đổi rất dễ bị tụt hậu và mất thị trường, bởi đó là một xu thế tất yếu!

Một nhà máy sản xuất có thể chuyển đổi công nghệ với từng quy trình sản xuất của mình mà đích đến là một nhà máy thông minh. Chúng ta đều biết, hiện nay đã có những nhà máy sản xuất không có con người làm việc trong đó!

Một văn phòng có thể “không số”, mà chúng ta đã biết đến các hình thức văn phòng ảo, không có văn phòng thực và theo đó không có thiết bị máy móc, bàn ghế, và nhân sự ở đó. Tất cả nằm ở các “chiến tuyến”, làm việc trên môi trường số, dữ liệu số, kết nối trực tuyến, làm việc từ xa.

Một “siêu thị” không có thực mà chỉ có “chợ ảo”, chúng ta đều biết đến như Lazada, Shopee, Amazon…

Một doanh nghiệp thương mại quốc tế kinh doanh toàn cầu nhưng cũng chỉ có các nhà kho được vận hành thông qua các robot và thiết bị IoT kết nối cùng nền tảng số, và loại bỏ hoàn toàn những khoản mục chi phí không cần thiết.

Một nhà sản xuất sản phẩm biết rõ xu hướng người dùng, dự đoán tiêu thụ, vùng tiềm năng, đối thủ cạnh tranh, hàng tồn kho trên thị trường chưa đến người dùng, phản hồi tiêu cực hay tích cực từ người dùng… mặc dù họ không bước chân đến ra thị trường, nhưng công nghệ 4.0: Dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI) và Ineternet vạn vật (IoT), đã giúp nhà điều hành sản xuất biết tường tận mọi vấn đề và ngõ ngách của thị trường, để lập tức đưa ra những điều chỉnh kịp thời và chính xác.

Và còn rất nhiều loại hình doanh nghiệp đã thành công trong việc chuyển đổi với công nghệ 4.0 bài viết không đủ nêu lên ở đây.

Nói tóm lại, chuyển đổi số chính là chuyển đổi với công nghệ 4.0; trong đó mỗi tổ chức dựa trên hoạt động của mình để thực hiện chuyển đổi hình thức hoạt động theo một lộ trình phù hợp, bằng cách áp dụng công nghệ để thực hiện, tiết kiệm nguồn lực, mở rộng cơ hội, nâng cao chất lượng… với mục tiêu hướng tới đưa lợi ích đến người dân, khách hàng… đấy chính là “chuyển đổi số”.

Và trên thực tế cách chúng ta giao tiếp, mua bán, trao đổi, khám bệnh, học tập… trong thời gian dịch 3 năm vừa qua cũng chính là quá trình trải nghiệm chuyển đổi. Như vậy chúng ta có thể thấy người dân, khách hàng của mình đã chuyển đổi mặc dù họ không biết chuyển đổi số là gì. 

Vấn đề có vẻ như đang nằm ở đoạn giữa, bởi Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ với Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia và người dân đã sẵn sàng công nghệ để đón nhận sự chuyển đổi từ các tổ chức và doanh nghiệp thì đúng hơn.

Hoàng Lê Minh, Chủ tịch – Giám đốc Công ty TNHH MV&PARTNERS

Báo VietNamNet trân trọng cảm ơn và mời độc giả tiếp tục tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm, kể những câu chuyện, sáng kiến cho chuyển đổi số quốc gia. Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ: banictnews@vietnamnet.vn.