Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hệ thống dữ liệu quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân và nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở Bình Phước.
Hơn 2 năm triển khai Đề án 06, cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước đã nỗ lực, quyết tâm đảm bảo dữ liệu về dân cư của tỉnh luôn ở trạng thái “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Qua đó góp phần cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu dùng chung
Để xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái dữ liệu dùng chung, lực lượng công an đã triển khai nhiều giải pháp nhằm làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Cùng với đó, hoàn thiện dữ liệu các hội, đoàn thể để cập nhật lên hệ thống.
Cán bộ hội, đoàn thể phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài thực hiện thu thập, cập nhật dữ liệu hội viên đạt 100% để chuyển cơ quan công an đưa lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sau khi tiến hành thu thập thông tin, những thông tin cơ bản về 749 hội viên Hội Người cao tuổi phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài đã được Công an phường cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những thông tin này sẽ được hội liên tục cập nhật, bổ sung khi có thay đổi.
“Trước đây, quản lý hội viên chủ yếu bằng danh sách giấy nên gặp nhiều bất tiện khi tìm kiếm thông tin thì nay những thông tin về hội viên đã được nhập trên cơ sở dữ liệu. Điều này giúp quản lý hội viên rõ ràng, chặt chẽ và chính xác hơn”, ông Bùi Đối, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Tân Xuân chia sẻ.
Hiện các hội, đoàn thể phường Tân Xuân đã thực hiện thu thập, cập nhật dữ liệu hội viên đạt 100% để chuyển cơ quan công an đẩy lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Dữ liệu dân cư biến đổi từng giờ, từng ngày, đặc biệt là dữ liệu về người lao động. Do đó, công tác thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và làm sạch được Công an phường thực hiện liên tục, thường xuyên, nắm bắt biến động dân cư trên địa bàn để cập nhật, bổ sung thông tin một cách chính xác nhất, phục vụ hiệu quả hoạt động của phường”, Thiếu tá Lê Kim Duy, cán bộ Công an phường Tân Xuân cho biết.
Với yêu cầu thông tin dân cư phải đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” ngay từ cấp xã, đến nay 100% công dân trên địa bàn tỉnh với 1.141.522 người có danh tính số. Qua đó, giúp công dân được xác thực danh tính chính xác trên môi trường điện tử, đồng thời thụ hưởng các tiện ích mà căn cước công dân gắn chíp điện tử và tài khoản định danh điện tử mang lại. Từ công tác làm sạch dữ liệu, việc xác thực và cung cấp tài khoản định danh điện tử cho mỗi công dân sẽ đảm bảo tính chính xác, đúng người, đúng thông tin.
Khai thác hiệu quả dữ liệu số
Để ứng dụng, khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh đã hoàn thiện dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, bảo đảm 100% dữ liệu công dân được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tích hợp, chia sẻ thông suốt với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan.
Điển hình như dữ liệu đất đai, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã hoàn thành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên phần mềm TN&MT và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là dữ liệu về đất đai để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất nhằm liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dữ liệu này sẽ làm căn cứ cho cơ quan nhà nước khai thác, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Công an huyện Lộc Ninh “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thu thập, cập nhật thông tin công dân và đẩy nhanh chỉ tiêu cấp tài khoản định danh điện tử mức 2
Ông Vũ Văn Đản, Phó Trưởng bộ phận đo đạc bản đồ, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hớn Quản cho biết: Bên cạnh các phần mềm, ứng dụng dùng chung, việc đưa vào vận hành phần mềm TN&MT đã giúp chi nhánh giảm gần 50% thời gian cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
Do các khâu xử lý đều trên môi trường mạng, từ tiếp nhận hồ sơ đến thực hiện nghĩa vụ thuế; tra cứu thông tin quy hoạch, giá đất, giảm thời gian đi lại. Bên cạnh đó, lĩnh vực đất đai có nhiều thành phần thủ tục, hồ sơ phức tạp, phải lưu trữ nhiều, vì vậy việc số hóa, đẩy dữ liệu lên hệ thống các phần mềm dùng chung và phần mềm dùng riêng của ngành TN&MT đã tạo thuận lợi cho việc tra cứu, khai thác thông tin nhanh, chính xác hơn.
Việc số hóa và khai thác dữ liệu số trong giải quyết thủ tục hành chính cũng được tỉnh triển khai ở tất cả lĩnh vực. Anh Phan Thiện Hòa, cán bộ công nghệ thông tin, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Hiện nay, hồ sơ giấy tờ công dân từng nộp đều được số hóa. Vì vậy, ở lần giao dịch tiếp theo nếu phải sử dụng lại những giấy tờ này thì cán bộ có thể tra cứu trên hệ thống để đối sánh, thẩm định, qua đó tiết kiệm được nhiều thời gian, đồng thời nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức.
Nhiều thủ tục hành chính khác, thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước thì hiện tại, thông tin sẽ được trích xuất tự động hoặc được cơ quan nhà nước khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
Cùng với đó, ngành giáo dục và đào tạo đã số hóa hồ sơ giáo viên và học sinh liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện việc liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe của người lái xe trong cấp đổi giấy phép lái xe với 2.800 hồ sơ đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình. Đến nay, có 129/129 cơ sở y tế tổ chức khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế…
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Chính phủ, Bộ Công an xác định là dữ liệu gốc, dữ liệu quan trọng của quốc gia cần được duy trì, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Thống kê đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp làm sạch hơn 810 ngàn dữ liệu bảo hiểm xã hội; 4,6 ngàn dữ liệu người hưởng lương hưu; 123 ngàn dữ liệu thuế; 21 ngàn dữ liệu điện lực; tạo lập hơn 1 triệu dữ liệu hộ tịch; 496 ngàn dữ liệu người lao động và gần 200 ngàn dữ liệu đoàn hội… Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống tội phạm, trật tự an toàn xã hội.
Đại tá NGUYỄN HUY HẢI, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chuyển đổi số phải có tư duy đi tắt, đón đầu, đi trước, về trước, phát triển đột phá; quán triệt quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số, người dân cần nhìn thấy và thụ hưởng kết quả cụ thể trong chuyển đổi số.
Cơ sở dữ liệu dùng chung là “chìa khóa” trong xây dựng chính quyền số. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được chuẩn hóa đến từng cá nhân và được bổ sung, cập nhật thường xuyên nên bảo đảm độ chính xác cao. Từ đó, cung cấp thông tin chính xác cho việc xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn phù hợp.