Mới đây, tỉnh Bình Phước đã có báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024. Theo đó, ước đến 31/12/2023 trên địa bàn tỉnh thành lập mới 35 HTX, đạt 100% so với kế hoạch năm 2023. Lũy kế ước đến 31/12/2023 toàn tỉnh có 334 HTX. Ước đến 31/12/2023, toàn tỉnh có 1.390 tổ hợp tác (THT), đạt 100% chỉ tiêu so với kế hoạch năm 2023…
Báo cáo của tỉnh cho thấy, đánh giá theo lĩnh vực, đến 31/12/2023, có 296 HTX nông nghiệp, trong đó có 225 HTX đang hoạt động. Hầu hết các HTX nông - lâm nghiệp ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc, bảo vệ rừng. Một số HTX đã từng bước đổi mới hình thức hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên. 
Nhiều HTX nông nghiệp từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu nhằm phát triển bền vững. Những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa rộng như heo, gà, hạt điều, hạt tiêu, trái cây, rau sạch đạt chất lượng cao về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, đã tiếp cận được thị trường thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các thành viên HTX. 

35 hat dieu binh phuoc.jpg
Hạt điều Bình Phước là sản phẩm tiêu biểu được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã dần trở nên phổ biến như áp dụng các biện pháp tiên tiến gắn với phát triển sản phẩm chất lượng an toàn trồng rau trong nhà kính, nhà lưới. Các HTX tiêu, điều, bưởi da xanh áp dụng phương pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước; áp dụng quy trình sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP, đạt an toàn thực phẩm... Các quy trình triển khai trên đã từng bước đưa nông sản thế mạnh của tỉnh Bình Phước đến với các tỉnh lân cận và bạn bè thế giới, góp phần ổn định đời sống cho các thành viên HTX nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Các HTX nông nghiệp đã từng bước xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh và liên kết thu mua sản phẩm cho các thành viên theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Siêu thị Coopmart, Bách Hóa Xanh và các công ty như: Công ty chế biến gia vị Nedspice (hồ tiêu), Công ty TNHH MTV A9 (nhãn xuồng Bình Long), Visimex (hạt điều) gắn sản xuất với sơ chế, chế biến sản phẩm với thị trường. 
Toàn tỉnh hiện có khoảng 260 chuỗi liên kết tập trung. Về chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi gia công với doanh nghiệp, trong đó người nông dân lao động trong HTX là mắt xích của liên kết chuỗi. Về hồ tiêu, có khoảng 60 đơn vị (HTX, THT, Câu lạc bộ) với diện tích 65,1 ha tham gia chuỗi liên kết với Công ty Nesdpice. Về sản phẩm hạt điều, có 10 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hạt điều tham gia liên kết với khoảng 24 đơn vị (HTX, THT, trang trại) với diện tích liên kết khoảng 3.500 ha đạt chứng nhận hữu cơ Mỹ/EU. Về trái cây, có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia liên kết với khoảng 30 đơn vị (HTX, THT, trang trại).
Ngoài các HTX trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, xây dựng, giao thông vận tải, tín dụng, môi trường nhưng chiếm tỷ trọng ít.
Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2024 đã được tỉnh Bình Phước đặt ra bằng một số chỉ tiêu cụ thể như phấn đấu thành lập mới 35 HTX. Nâng tổng số thành viên HTX lên 11.936 thành viên; doanh thu bình quân đạt 3.750 triệu đồng/năm. Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu có 90 HTX hoạt động đạt loại tốt, khá; Phấn đấu đạt 165 cán bộ quản lý HTX trình độ cao đẳng, đại học trở lên; Phấn đấu có 60 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản. Đặc biệt, phấn đấu có 55 HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị với mức độ khác nhau tại các xã xây dựng nông thôn mới…; Xây dựng chính sách mới về khuyến khích phát triển HTX trên địa bàn tỉnh 
Để đặt được các mục tiêu nêu trên, tỉnh Bình Phước cũng đề ra các giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2024 như tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với KTTT; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và Liên minh HTX đối với phát triển KTTT; Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, HTX…

 

Minh Thuý và nhóm PV, BTV