Bình Thuận có dân số trên 1,2 triệu người, gồm 35 thành phần dân tộc, trong đó có 34 dân tộc thiểu số với 104.066 người, chiếm gần 8,4% dân số của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống ở 15 xã thuần và 32 thôn xen ghép thuộc 8/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh. 

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện 13 chính sách đặc thù của địa phương.

le hoi binh thuan 1.jpg
Bình Thuận triển khai 13 chính sách đặc thù phát triển vùng dân tộc thiểu số. 

Cụ thể gồm: Chính sách xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2005 theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy; Chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số và huyện đảo Phú Quý đến năm 2025; Chế độ trợ cấp đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số ở các thôn, xã miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Chính sách đầu tư ứng trước giống, vật tư và các mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã thuần và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép.

Đề án Phát triển cây cao su vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2019; Chính sách cấp báo Bình Thuận miễn phí cho đối tượng chính sách miền núi, vùng cao; Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011 - 2015; Chính sách thăm tặng quà cho một số đối tượng là người dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Nguyên đán và Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách khoán bảo vệ rừng; Chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Bằng các nguồn lực của Trung ương và địa phương, tỉnh đã đầu tư trên 1.200 tỷ đồng xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội  vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đã cấp trên 15.000 ha đất sản xuất (bình quân 01 ha/hộ); xây dựng 5.543 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ lãi suất cho 3.160 hộ vay mua 4.680 con bò với giá trị vay hơn 22 tỷ đồng. Thực hiện đầu tư ứng trước giống, vật tư, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống với tổng giá trị 18,7 tỷ đồng/năm. Sự nghiệp giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chăm lo tốt hơn.

Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã. có 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh. 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

100% xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia về y tế; đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%.

Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng. 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Đối với kết quả giảm nghèo: tính đến cuối năm 2022, hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 2.801 hộ, chiếm trên 10% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số và chiếm 32% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Số hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 3.341 hộ, chiếm trên 12 %, so với tổng số hộ dân tộc thiểu số và chiếm 23% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.

Khánh Vy