Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn có mặt từ sớm tại nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 3, TP.HCM), sáng 24/5. Anh cùng vợ con vào phòng khách, ngắm nhìn di ảnh của cố nhạc sĩ hồi lâu rồi hàn huyên, tâm sự với bạn bè. 

W-z5472265536828_27df288d4b7fba9fe373b7f8e8a8d039.jpg
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần. 

Trong ngày hội ngộ, Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần biểu diễn ca khúc Hạ trắng. Hai bố con thoải mái phiêu theo tiếng kèn, bên phần đệm đàn guitar của ca sĩ Tấn Sơn. Trong khuôn viên vườn nhà, bên cạnh bức tượng đá tạc gương mặt cố nhạc sĩ, tiết mục ngẫu hứng khiến nhiều người xúc động. 

Clip biểu diễn của bố con Trần Mạnh Tuấn và ca sĩ Tấn Sơn

Chị Hiền Trần - một khán giả có mặt bày tỏ sự bất ngờ vì tiếng kèn Trần Mạnh Tuấn vẫn có lực, vang và sáng sau cơn bạo bệnh. "Âm nhạc của Trịnh qua tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn khiến người nghe có cảm xúc mênh mang khó tả", chị nói. 

Ba lần mổ não vì đột quỵ, quá trình phục hồi của Trần Mạnh Tuấn thời gian qua là "phép màu". Năm ngoái cũng chính tại ngôi nhà này, anh lần đầu biểu diễn sau bạo bệnh. Nam nghệ sĩ nói đùa luôn sẵn sàng "phục vụ ông anh Trịnh Công Sơn" cùng cây kèn saxophone đã cũ. 

W-z5472265560941_0be50f202d2457a5e9c0dbc047454f1f.jpg
Bố con Trần Mạnh Tuấn sẽ biểu diễn trong chuỗi đêm nhạc sắp tới. 

An Trần - con gái Trần Mạnh Tuấn vừa từ Mỹ về Việt Nam nghỉ hè. Chia sẻ với VietNamNet, cô bày tỏ niềm hạnh phúc vì dịp này có cơ hội biểu diễn bên bố trong chuỗi đêm nhạc Đối thoại Trịnh Công Sơn

"Tôi cám ơn mọi người, bác sĩ - những người đã cứu cho bố sống. Tôi vui vì 2 bố con có dịp đứng trên sân khấu lần nữa để cống hiến tiếng kèn đến khán giả", An Trần nói. 

An Trần cũng là đại sứ của quỹ học bổng Trịnh Công Sơn. Dù còn rất trẻ, cô được đánh giá có năng lực, tiềm năng nghệ thuật nổi trội để nối bước người cha của mình. Cô đang học tại Berklee College of Music, trường nhạc hàng đầu Mỹ - cũng là ngôi trường Trần Mạnh Tuấn theo học khi còn trẻ. 

Bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái Trịnh Công Sơn cho biết mình và gia đình luôn mong muốn chuyển giao di sản nhạc Trịnh cho thế hệ trẻ. Trong đó, An Trần là một trong những nghệ sĩ gen Z được họ tin tưởng.

Theo bà, mỗi thế hệ, thời kỳ sẽ có cách tiếp cận và thể hiện dòng nhạc khác nhau. Dẫu vậy, phía gia đình của nhạc sĩ luôn mong mỏi các gương mặt được gọi là "kế thừa" phải là người tử tế, am hiểu nhạc Trịnh, sống với nhạc Trịnh, thể hiện được đúng tinh thần ca khúc.

W-z5472265455237_8e5c0d7aeeafb8df3b45fbe5d0a19fb9.jpg
Bà Trịnh Vĩnh Trinh mong có thêm nhiều người trẻ hát nhạc Trịnh. 

Tùng Leo - đạo diễn chương trình - cho biết điều khó khăn là sự dung hòa giữa các giọng ca từ già đến trẻ. "Nghệ sĩ lớn phải trẻ lại, nghệ sĩ trẻ phải trưởng thành hơn khi tiếp cận với nhạc Trịnh Công Sơn", anh cho hay. 

Gia đình cố nhạc sĩ sẽ tổ chức hai chương trình đầu tiên trong chuỗi sự kiện. Đêm nhạc Tình yêu tìm thấy sẽ diễn ra tại điện Kiến Trung vào tối 9/6 trong khuôn khổ Festival Huế 2024.

batch_ddTCS 2.jpg
Gia đình Trịnh Công Sơn và ê-kíp thực hiện chương trình. Ảnh: BTC

Đêm nhạc mang thông điệp về sự đối thoại giữa hậu thế với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua âm nhạc, thơ ca. BTC cho biết sẽ có những bản phối mới, sự kết hợp mới để kể câu chuyện về nhạc Trịnh trong đời sống hôm nay. 

Chương trình gồm ba chương: Trịnh Công Sơn đối thoại với Huế; Trịnh Công Sơn đối thoại với những nghệ sĩ khác như Phạm Duy, Văn Cao, Thanh TùngTình yêu tìm thấy.

NTK Trịnh Hoàng Diệu sẽ giới thiệu BST áo dài mới cùng phần trình diễn múa đương đại của biên đạo Alexander Tú. 

14 nghệ sĩ đồng hành với khán giả trong đêm nhạc gồm: ca sĩ Cẩm Vân, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, Hà Trần, Quang Dũng, Đức Tuấn, Ngọc Khuê, Tấn Sơn, An Trần...

Đêm nhạc Đồng dao hòa bình diễn ra ngày 13/7 trong khuôn khổ Festival Vì Hòa bình 2024, tại Quảng Trị.