Chiều 28/12, theo kế hoạch dự kiến, Bộ Công an tổ chức họp báo về tình hình, kết quả công tác năm 2021, thông tin về phương hướng, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2022.
Trong kỳ họp báo hồi tháng 6/2021, Bộ Công an cũng đã thông tin về tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm. Còn trong 6 tháng cuối năm, trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, Bộ Công an đã khởi tố hàng loạt vụ án lớn, thực hiện lệnh bắt tạm giam nhiều trường hợp có liên quan.
Cựu Tổng cục phó Tình báo bị bắt vì nhận hối lộ
Ngày 15/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Duy Linh, Cựu Tổng cục phó Tình báo về tội nhận hối lộ.
Theo kết luận điều tra, giữa năm 2017, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm") bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) điều tra về những sai phạm trong vụ án "cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" và những hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng nhà, đất thuộc công sản tại TP Đà Nẵng và một số địa phương.
Ông Nguyễn Duy Linh tại phiên tòa sơ thẩm |
Do lo sợ bị pháp luật xử lý, Phan Văn Anh Vũ nhờ Hồ Hữu Hòa tiếp cận với Nguyễn Duy Linh để nhờ giúp đỡ và tìm hiểu thông tin. Sau đó, Hòa đóng vai trò trung gian nhận túi quà 5 tỷ đồng từ Vũ để chuyển cho ông Nguyễn Duy Linh.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Linh 14 năm tù, Phan Văn Anh Vũ 7 năm 6 tháng tù và Hòa bị phạt hơn 2 năm 7 tháng tù. Sau phiên tòa, ông Linh đã tự nguyện nộp lại số tiền 5 tỷ đồng để sung công quỹ nhà nước.
Cựu Bí thư Bình Dương bị bắt liên quan vụ bán rẻ "đất vàng"
Ngày 27/7, Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Sau đó, cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cùng 20 người khác bị đề nghị truy tố liên quan đến sai phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2). Vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Ông Trần Văn Nam |
Theo điều tra, năm 2010, Tổng công ty 3/2 ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với mục đích đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án trên 43 ha đất mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và đường Võ Văn Kiệt. Trong đó, Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ.
Năm 2016, Tổng công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng, tương đương gần 600.000 đồng một m2. Hai năm sau, công ty này khởi công dự án KDC Tân Phú với 1.210 nền đất và nhà phố liền kề, biệt thự đơn lập, song lập, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Kết quả điều tra của Bộ Công an xác định, việc chuyển nhượng khu đất do Tổng công ty 3/2 thực hiện không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản.
Bắt Thứ trưởng Y tế liên quan vụ VN Pharma
Ngày 4/11, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 360, Bộ luật Hình sự 2015.
Kết quả điều tra cho thấy, ông Trương Quốc Cường khi làm Cục trưởng Cục Quản lý Dược giai đoạn 2007-2016, là người chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của cục này. Trong đó có nhiệm vụ trình lãnh đạo Bộ Y tế các quyết định liên quan đến việc cấp phép đăng ký thuốc.
Ông Trương Quốc Cường |
Quá trình làm việc, ông Cường có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, xét duyệt và cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc giả gắn nhãn Health 2000 Canada; thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc.
Sau khi 7 loại thuốc trên được nhập khẩu vào Việt Nam, Nguyễn Minh Hùng và các bị can trong vụ án đã tiêu thụ được lô thuốc giả có tổng trị giá trên 151 tỷ đồng.
Ông Cường nhận được thông tin phản ánh thuốc Health 2000 Canada nhập nhằng về nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, bị can đã không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi để tiêu hủy đối với 7 loại thuốc. Sai phạm của ông Cường khiến nhiều bệnh nhân phải sử dụng thuốc giả, gây thiệt hại hơn 50,6 tỷ đồng.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội vi phạm đấu thầu
Ngày 19/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Nguyễn Quang Tuấn (SN 1967, quê quán Hà Nội). Ông Tuấn nguyên là Chủ tịch Hội đồng mua sắm của Bệnh viện Tim Hà Nội, thời điểm bị khởi tố là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Ông Tuấn bị khởi tố để điều tra về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cùng tội danh trên, ngoài ông Tuấn, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam với ông Nguyễn Đức Đảng (SN 1976, quê quán Bắc Ninh). Ông Đảng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thiết bị y tế Hoàng Nga.
Ông Nguyễn Quang Tuấn |
Cơ quan điều tra xác định, một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội là ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu và một số cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Ông chủ Việt Á "thổi giá" kit test Covid
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an ngày 18/12 ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Theo tài liệu điều tra bước đầu, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt (SN 1980, quê Quảng Nam) thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kít xét nghiệm Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Phan Quốc Việt (trái) và Phạm Duy Tuyến |
Ông Việt khai, Công ty chủ động cung ứng sản phẩm cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, Công ty Việt Á thông đồng với lãnh đạo các đơn vị nhận cung ứng để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu. Hình thức chỉ định thầu được sử dụng bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do công ty này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Ông Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Bước đầu xác định, ông Việt chi ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến gần 30 tỷ đồng.
Hà An
Ngoài CDC Hải Dương, Công ty Việt Á còn chi tiền cho những ai?
Công ty Việt Á giao cho Phan Tôn Noel Thảo phụ trách việc chi tiền % ngoài hợp đồng cho các bên liên quan khi mua kit test Covid.