- "Ở mức độ nào thì Bộ Công thương cũng có trách nhiệm. Chúng tôi nhận trách nhiệm và luôn nghĩ rằng Bộ Công thương không bao giờ chối bỏ trách nhiệm của mình trong câu chuyện này" - Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nói.

Không chối bỏ trách nhiệm

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã có chia sẻ trong cuộc họp giao ban báo chí sáng 8/3 của Ban Tuyên giáo Trung ương về hoạt động bán hàng đa cấp, lừa đảo 60.000 người của công ty Liên Kết Việt.

Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định: Doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp ngoài chịu sự giám sát của Cục Quản lý cạnh tranh (Cục QLCT - Bộ Công thương), Sở Công thương các tỉnh, thành phố thì còn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị khác có liên quan như thuế, quản lý hàng hoá chuyên ngành, lực lượng quản lý thị trường…. (như các doanh nghiệp khác).

{keywords}

Không chỉ làm giả hồ sơ của cơ quan Nhà nước, công Liên Kết Việt còn mạo danh cả Bộ Quốc phòng để lừa đảo

Riêng với trường hợp công ty Liên Kết Việt, ông Khánh khẳng định cơ quan quản lý đã giám sát, kiểm tra chặt chẽ, phát hiện nhiều sai phạm và xử lý kịp thời.

Cụ thể, ngày 15/7/2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với Sở Công thương Hà Nội kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp của công ty Liên Kết Việt.

Qua kiểm tra đã phát hiện một số dấu hiệu ban đầu cho thấy công ty này vi phạm quy định tại Nghị định 42. Vì vậy, ngày 6/8/2015, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh đã ban hành quyết định điều tra sơ bộ đối với công ty này theo thẩm quyền. Ngày 2/10/2015 vụ việc được chuyển sang điều tra chính thức.

Căn cứ kết quả điều tra theo trình tự và thủ tục của pháp luật cạnh tranh, ngày 20/11/2015 Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh ban hành quyết định xử phạt công ty Liên Kết Việt với số tiền 570 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh và Nghị định 42.

Sau đó, C46 - Bộ Công an cũng đã vào cuộc để tìm hiểu xác minh thông tin về dấu hiệu lừa đảo của công ty này.

"Do chỉ cơ quan công an mới có đủ năng lực, thẩm quyền để điều tra, xác minh hành vi lừa đảo nên tại thời điểm Cục Quản lý cạnh tranh ban hành quyết định xử phạt lại chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra. Do đó chúng tôi với chức năng và quyền hạn được luật cho phép chưa thể đưa ra cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo của công ty Liên kết Việt" - ông Khánh phân trần.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng nói rõ, ở mức độ nào thì Bộ Công thương cũng có trách nhiệm.

"Chúng tôi nhận trách nhiệm và luôn nghĩ rằng Bộ Công thương không bao giờ chối bỏ trách nhiệm của mình trong câu chuyện này" - ông nhấn mạnh.

Chỉ công bố thông tin sai phạm trong một số trường hợp nhất định?

Về việc vì sao Bộ Công thương không công bố sai phạm của Liên kết Việt để cảnh báo cho nhân dân, để công ty này gây hậu quả nghiêm trọng khi có tới 60.000 người dân bị lừa, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng:

Theo Điều 71, Điều 72 của Nghị định 116/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh và Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc công khai hay thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng các quyết định xử lý được thực hiện trong một số trường hợp nhất định.

“Đối chiếu với các quy định này thì quyết định xử phạt công ty Liên Kết Việt không thuộc các trường hợp buộc phải công bố công khai”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

2 vấn đề cảnh báo nạn nhân Liên kết Việt

Ông Khánh cho rằng Bộ Công thương đã thực hiện đúng trong việc cấp phép và kiểm tra giám sát hoạt động doanh nghiệp. Sau hơn 6 tháng Bộ đã vào kiểm tra doanh nghiệp.

"Nhưng đó mới là ý kiến của Bộ Công thương, còn kết luận cuối cùng là Chính phủ. Nếu Chính phủ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm thì chúng tôi sẽ kiểm điểm" - ông Khánh giãi bày.

Đối với các gia đình, các nạn nhân của Liên Kết Việt, ông Khánh nói đến 2 vấn đề.

Thứ nhất, tại sao lại xảy ra cơn sốt nhiều hơn bình thường như vậy?

Sau khi Nghị định 42 được ban hành đã tổ chức rất nhiều hội thảo cũng như đối thoại trên truyền hình, rồi báo chí cũng đã vào cuộc nói về việc bán hàng đa cấp, nói về tất cả các hành vi, rồi tuyên truyền về nghị định để người dân hiểu rõ hành động nào là chân chính, hành động nào là bất chính. Đồng thời cũng nói rõ là có những hành vi nào mà các công ty bán hàng đa cấp không được thực hiện như nhận tiền mà không giao hàng... Thế nhưng việc rất tiếc đã xảy ra.

Thứ 2 là, kêu gọi tất cả những người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp, người dân, cơ quan truyền thông nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào vi phạm Nghị định 42, xin phép thông báo vào đường dây nóng của Cục quản lý cạnh tranh.

"Nhưng cho đến khi cơ quan chức năng vào kiểm tra, ban hành quyết định kiểm tra sơ bộ, quyết định điều tra chính thức thì rất tiếc không nhận được bất kỳ thông tin nào. Khi hệ thống chưa đổ vỡ, người tham gia hệ thống còn thiếu hợp tác với các cơ quan chức năng" - ông Khánh nói.

PV