Cụ thể, tại Điều 12 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất quy định: Khi có tín hiệu đèn màu vàng, phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì phương tiện được đi tiếp.
Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, phương tiện được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.
Đồng tình với việc sửa đổi này (bỏ quy định cấm vượt đèn vàng dù đang đi trên vạch dừng hoặc qua vạch dừng), TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, trong Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ đã viết rất rõ về tín hiệu đèn giao thông.
Trong đó, đối với đèn vàng, phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp tiến sát đến vạch dừng hoặc chạy quá vạch dừng thì được đi tiếp.
"Luật mới cần tiệm cận và phù hợp với pháp luật quốc tế. Do đó, việc cơ quan soạn thảo, thẩm tra điều chỉnh, bổ sung quy định cụ thể về đèn vàng trong dự thảo Luật là chính xác.
Tôi đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến phản biện, giúp các cơ quan chức năng sau này có thể xử lý các trường hợp thực tế đặt ra”, ông Tạo nhấn mạnh.
Theo ông Tạo, trên thực tế, theo luật hiện hành, khi đến đường giao nhau có đèn tín hiệu sẽ xảy ra nhiều tình huống: Với đèn có hiển thị thời gian, tài xế sẽ ước lượng để quyết định có đi qua nút giao hay không trước khi đèn vàng bật sáng.
Đèn không hiển thị thời gian nhưng tài xế đã giảm tốc độ, đi gần đến vạch dừng thì vẫn đủ thời gian để dừng lại trước vạch khi đèn vàng bật sáng. Hai trường hợp này không bị vướng luật.
“Tuy nhiên, với trường hợp đèn tín hiệu không hiển thị thời gian, tài xế giảm tốc độ nhưng vừa chớm qua vạch thì đèn vàng bật sáng, tài xế rơi vào cảnh oái oăm, đi tiếp thì trái luật mà đứng im cũng không xong (vì luật quy định đèn vàng phải dừng lại trước vạch).
Thậm chí, tài xế muốn lùi lại để đỗ trước vạch cũng vi phạm vì luật cấm lùi ở đường giao nhau. Mặc dù trong tình huống này họ không hề có lỗi vì không biết trước hiệu lệnh”, ông Tạo phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Văn Mạnh (tài xế trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, cơ quan soạn thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung quy định "đi trên vạch dừng hoặc qua vạch dừng mà có tín hiệu đèn vàng thì được đi tiếp" là phù hợp với thực tế.
Anh Mạnh đề xuất cơ quan chức năng bổ sung đèn tín hiệu giao thông hiển thị thời gian ở các điểm giao cắt để giúp tài xế dễ quan sát, chủ động lái xe khi gặp đèn vàng.
Ngoài ra, tài xế này nói thêm, việc bổ sung trường hợp phương tiện đã vượt quá vạch dừng khi có đèn vàng vẫn được đi tiếp là hợp lệ, bởi nếu quy định cấm tuyệt đối vượt đèn vàng như với đèn đỏ thì không nhất thiết phải có đèn vàng. Do đó, với việc điều chỉnh mới nhất này sẽ là cơ sở để các tài xế tuân thủ pháp luật, lực lượng cảnh sát giao thông cũng dễ dàng thực thi công vụ, tránh những tranh cãi không đáng có.