Xã Chà Nưa, Phìn Hồ và Si Pa Phìn thuộc địa bàn quản lý của Đồn biên phòng Si Pha Phìn. Đây là các xã biên giới nằm phía Đông của huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên có đường biên dài 37,368km với 13 mốc quốc giới. Ba xã có 26 bản với 2.752 hộ/13.442 khẩu, thuộc 06 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó đa số là dân tộc H’mông.
Thời gian qua, nhân dân các dân tộc trên địa bàn cơ bản chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tương thân tương ái. Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vay vốn xóa đói giảm nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp, khó lường như tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, vượt biên… Đặc biệt, tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Trước đây, đối tượng phạm tội ở hầu hết các vụ mua bán người trên địa bàn tỉnh đều có chung phương thức, thủ đoạn. Đó là tìm đến địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, lợi dụng trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao (hơn 40%); hoàn cảnh thiếu thốn, điều kiện kinh tế khó khăn, tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới xin… để lừa gạt người dân thông qua những lý do như: Giúp tìm việc làm; rủ đi làm ăn, buôn bán, du lịch, thăm thân…
Sau đó tội phạm đưa nạn nhân bán sang bên kia biên giới. Có trường hợp nạn nhân từng bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái bán dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp trở về địa bàn (dưới danh nghĩa thăm thân) cấu kết với một số đối tượng xấu để lừa gạt, mua bán người.
Hiện, tình trạng mua bán người trên địa bàn Đồn biên phòng Si Pha Phìn quản lý đã giảm thiểu nhưng công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn luôn được lực lượng biên phòng chú trọng.
Đồn biên phòng Si Pha Phìn ban hành các văn bản trong triển khai thực hiện, nề nếp hoạt động, công tác kiểm tra, đôn đốc với việc triển khai ở địa phương. Quan triệt triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch có liên quan.
Đồng thời, Đồn tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền 03 xã trong tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền. Phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Nậm Pồ, cán bộ tư pháp 3 xã Si Pa Phìn, Chà Nưa và Phìn Hồ, các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
Các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ yếu là tập trung, loa truyền thanh nội bộ bản và loa di động (gắn trên xe máy). Hiện Đồn đã xây dựng các câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật. Thành lập tổ tư vấn, giáo dục, tuyên truyền pháp luật với 3 tư vấn viên, gồm các cán bộ Đồn biên phòng Si Pha Phìn. Xây dựng tủ sách pháp luật miễn phí để đảm bảo nhu cầu tìm hiểu pháp luật của quần chúng nhân dân.
Thiếu tá Tô Hiến Quyên là cán bộ Đồn biên phòng tăng cường xuống xã Si Pa Phìn phụ trách Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, các cán bộ Đồn biên phòng Si Pha Phìn thường xuyên tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con.
Định kỳ hàng tuần, cán bộ sẽ đi khắp các khu dân cư, thôn bản kéo loa tuyên truyền. Đồng thời, phối hợp với địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng phòng ngừa phát hiện… để nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Các buổi tuyên truyền khuyến cáo người dân nên cảnh giác, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình như thế nào, tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết địnhh đi làm ăn xa.
Ngoài tuyên truyền bằng tiếng Kinh, nội dung tuyên truyền được cán bộ phụ trách triển khai bằng tiếng Thái, tiếng H’mông.
Ông Mùa A Hòa, Chủ tịch xã Si Pa Phìn cho biết: “Vào đầu năm, xã xây dựng các kế hoạch để triển khai và thực hiện. Hiện nay, xã lồng ghép các chương trình, thực hiện kế hoạch chuyên đề, lồng ghép với cả bộ đội biên phòng… để triển khai phổ biến pháp luật và việc chấp hành pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân.
Vài năm trở lại đây, do sự phối hợp giữa lực lượng công an, biên phòng, các lực lượng vũ trang cùng cơ quan đơn vị, chính quyền trên địa bàn, công tác tuyên truyền mua bán người được đẩy mạnh. Qua đó nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật cho bà con, cương quyết đấu tranh để giảm thiểu tình trạng này. Do đó tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn cơ bản là không có”.
Ông Mùa A Hòa cho biết thêm, để giữ vững thành quả đã đạt được, địa phương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về mua bán người cũng như cập nhật các thủ đoạn của tội phạm để người dân nêu cao cảnh giác, phòng tránh rơi vào bẫy.
Quỳnh Nga