Báo cáo về tuyển sinh và đào tạo khối ĐH, CĐ sư phạm mới đây, Bộ GD-ĐT nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế.

Các vấn đề được chỉ ra gồm: Một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; khó khăn trong tuyển sinh của một số ngành đào tạo; một số cơ sở xét tuyển sớm chưa hiệu quả; thí sinh phải đăng ký xét tuyển nhập học trên cả hệ thống chung và tại cơ sở đào tạo.

Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra khó khăn trong tuyển sinh của một số ngành và một số cơ sở đào tạo.

Cụ thể, trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Theo Bộ GD-ĐT, danh sách ngành tuyển kém có sự thay đổi hàng năm, nhưng chủ yếu là những ngành hẹp hoặc ngành mới thí điểm đào tạo với chỉ tiêu thấp và ít nơi đào tạo. 

Một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước, có quy mô tuyển sinh lớn hơn nhưng cũng đạt chỉ tiêu rất thấp, bởi thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ngành tuyển quy mô lớn trong toàn hệ thống, đạt chỉ tiêu tương đối cao nhưng lại gặp khó khăn ở một số cơ sở đào tạo. 

Như vậy, theo Bộ GD-ĐT, việc dễ tuyển hay khó tuyển không chỉ do đặc điểm ngành mà phụ thuộc chủ yếu vào cơ sở đào tạo.  

Bên cạnh đó, các chương trình liên kết quốc tế có xu hướng kém hấp dẫn hơn những năm trước đây. Nhiều cơ sở gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhất là đối với chương trình mà đối tác nước ngoài không có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Về giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, Bộ sẽ hoàn thiện quy định về danh mục ngành, mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo về thẩm quyền và các điều kiện khi mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là điều kiện bảo đảm chất lượng. 

Cùng với đó, sẽ xử lý nghiêm các cơ sở tuyển sinh vượt năng lực, vượt số lượng theo quy định.

Nói về công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT cho biết, về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm nay, đồng thời tăng cường một số giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn các thí sinh trong quá trình xét tuyển. 

Bộ cũng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống chung cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. 

Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình cũng như kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm nay (trừ các trường đặc thù), mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1. Bên cạnh đó, có thể rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Bộ cũng lưu ý các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế hiện hành; tránh làm phức tạp, rắc rối với thí sinh.