Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023, sáng 19/3, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho hay, thí sinh cần lưu ý những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm nay.
Thứ nhất, điểm ưu tiên khu vực của các thí sinh sẽ được áp dụng có hiệu lực trong 2 năm liên tiếp từ năm thí sinh tốt nghiệp THPT.
Thứ hai, cộng điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng) vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc các kết quả khác để xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ có điều chỉnh giảm dần tuyến tính khi các em đạt được mức điểm giỏi từ 22,5 trở lên. Độc giả có thể tham khảo thêm tại đây.
Theo bà Thủy, phần mềm tuyển sinh năm nay có những cập nhật, nhiều hướng dẫn rõ ràng hơn trên hệ thống để thí sinh truy cập tránh những lỗi thường gặp phải.
Trong đăng ký xét tuyển, tránh thí sinh đăng ký nhầm tổ hợp và phương thức xét tuyển, năm nay, các thí sinh chỉ đăng ký vào ngành các em muốn xét tuyển.
“Nghĩa là ngành học đó có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Các trường đại học sẽ dùng tất cả những kết quả các em có để xét tuyển tốt nhất có thể cho các em trúng tuyển vào ngành đó. Tức các em chỉ cần đăng ký ngành mình mong muốn ứng tuyển và có kết quả các tổ hợp phù hợp phương thức xét tuyển cho ngành học đó là được xét tuyển. Như vậy, thí sinh được ưu tiên tối đa rằng sẽ trúng tuyển bằng phương thức tốt nhất mà mình có”, bà Thủy nói.
Bà Thủy lưu ý, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nhưng cũng không quá ít.
“Năm ngoái, những em đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất và tưởng mình chắc chắn trúng tuyển. Tuy nhiên, sau đó vì sai sót về đối tượng/khu vực ưu tiên, cuối cùng đã không trúng tuyển và lỡ hết các cơ hội khác. Do đó thí sinh đừng bao giờ chỉ đặt duy nhất 1 nguyện vọng xét tuyển bởi như vậy rất rủi ro”, bà Thủy nói.
Tuy nhiên, thí sinh lưu ý, khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, kể cả không nhập học cũng không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng 2, 3, 4...
Không cần dự quá nhiều kỳ thi
Bà Thủy cho biết thêm, đến nay, trên toàn quốc, có khoảng 10 đơn vị tổ chức các kỳ thi độc lập như đánh giá lực, tư duy...
Tuy nhiên, những kỳ thi độc lập có những mục đích khác nhau. Chính vì vậy, thí sinh không cần tham gia quá nhiều kỳ thi để trúng tuyển đại học.
“Chỉ cần thi tốt nghiệp THPT tốt nhất, các em có cơ hội rất cao để trúng tuyển, bởi hầu như các trường đại học trên cả nước đều dành số lượng chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Khi đã ôn tập tốt kỳ thi này, không có lý do gì các em không thi tốt những kỳ thi còn lại. Do đó, việc các em tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vô cùng quan trọng. Nếu thích thi thêm các kỳ thi độc lập chỉ nên thi thêm 1, cùng lắm là 2”, bà Thủy nói.
Ngoài ra, bà Thủy cũng lưu ý, việc xét tuyển sớm ở các trường đại học sẽ không đảm bảo các em sẽ đỗ vào nguyện vọng đó.
“Chúng tôi phải giải quyết rất nhiều trường hợp rủi ro thế này ở năm ngoái. Bởi đó là trúng tuyển tạm thời hoặc trúng tuyển có điều kiện, khi đó thí sinh chưa thi và tốt nghiệp THPT (chưa đủ điều kiện để vào đại học). Vì vậy, sau khi thi tốt nghiêp, các em phải đăng ký các nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Việc này rất quan trọng.
Nhiều em nhầm tưởng đã trúng tuyển vào trường đại học nào đó rồi và không cần đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ nữa. Trong khi việc xét tuyển sớm là điều kiện ban đầu, điều kiện cần; còn điều kiện đủ là các em đăng ký trên hệ thống chung của Bộ”, bà Thủy nói.
Đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cũng nhấn mạnh, thí sinh chỉ được xác nhận trúng tuyển khi đã đăng ký trên hệ thống của Bộ.
Bà Thủy cho hay, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường đại học không yêu cầu thí sinh "phải đặt nguyện vọng xét tuyển sớm là nguyện vọng 1 khi đăng ký sau này mới được tính trúng tuyển", trừ các trường hợp đặc thù - các trường khối công an, quân đội với quy định riêng.
"Việc này là vi phạm nguyên tắc đảm bảo công bằng và cơ hội trúng tuyển đại học của thí sinh", bà Thủy nói.