Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho hay, trường học là nơi học sinh dành khá nhiều thời gian hàng ngày và cũng là môi trường có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của các em. Tuy nhiên, học sinh trong các nhà trường đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng lớn tới việc học tập và quyền của các em.

Để tăng cường phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, giải quyết các vấn đề đa dạng, phức tạp khác nhau ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống của học sinh, đảm bảo hiệu quả và toàn diện của công tác giáo dục thì việc triển khai hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục là rất cần thiết.

tham van chinh sach tu van hoc duong.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Theo ông Đạt, thực tế triển khai chính sách về tư vấn tâm lý, công tác xã hội tại các trường phổ thông còn gặp nhiều hạn chế như các quy định của chính sách chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế; sự phối kết hợp giữa các bên liên quan còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ; chế độ, vị trí việc làm cho đội ngũ thực hiện chưa có quy định cụ thể; hạn chế nguồn kinh phí triển khai…

Do đó, hội thảo nhằm trao đổi kết quả rà soát chính sách và đánh giá hiệu quả thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục; tham vấn ý kiến các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục về chính sách hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học; đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách để triển khai hiệu quả hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, góp ý về các vấn đề liên quan đến chính sách của hoạt động công tác xã hội và tâm lý trong trường học như phân công nguồn nhân lực, đội ngũ thực hiện, vị trí việc làm tại các cơ sở giáo dục; bố trí nguồn kinh phí thực hiện; hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện; cơ sở vật chất, xây dựng phòng tham vấn tâm lý;...

tham van chinh sach tu van hoc duong 1.jpg
ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT).

Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho hay, việc triển khai thực hiện hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý cần có sự tham gia, phối hợp của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, các chuyên gia về công tác xã hội, tư vấn tâm lý, đặc biệt là các cơ sở giáo dục. Các sở GD-ĐT cần quan tâm xây dựng kế hoạch thực hiện tại địa phương và chỉ đạo triển khai trong các cơ sở giáo dục.

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc quản lý của Bộ về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học. Trong đó, nội dung hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, đề xuất vị trí việc làm tư vấn học sinh sẽ được chú trọng.

Cùng đó, sẽ tham mưu ban hành các văn bản, quy định về công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên có sự phối hợp triển khai công tác tư vấn, hỗ trợ trẻ em, học sinh tại các cơ sở giáo dục.

Lê Thanh Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Trang, Lê Hồng Hạnh, Nguyễn Hoàng Hà