Trước những câu chuyện ‘nóng’ của ngành giáo dục trong những ngày qua – bỏ đề xuất tăng lương giáo viên, 500 giáo viên Đắk Lắk mất việc, giáo viên bị ép quỳ gối… - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng Bộ GD-ĐT cần kiên trì với những đề xuất này. Đồng thời, bà cũng khẳng định, những vấn đề sâu xa hơn đằng sau câu chuyện giáo viên mất việc ở Đắk Lắk, hay trước đó là Thanh Hoá, Bắc Ninh mới là những thách thức cốt yếu của ngành giáo dục.

Dưới đây là cuộc trao đổi riêng của báo Vietnamnet với bà Nguyễn Thị Mai Hoa.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội

Cần tìm giải pháp để chính sách ưu đãi nhà giáo có tính khả thi

Thưa bà, trong câu chuyện đãi ngộ giáo viên, sau khi nhận được ý kiến góp ý của các Bộ ngành, trong đó có ý kiến phản đối Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ (lý do đưa ra là đề xuất không khả thi trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang khó khăn), Bộ GD-ĐT đã bỏ 2 đề xuất này. Bà có ý kiến gì về việc này?

- Thực ra đề xuất chính sách lương cho nhà giáo không phải là ý tưởng mới, bởi vì từ hơn 20 năm nay, vấn đề xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp đã được đưa vào một số Nghị quyết của Đảng về định hướng phát triển giáo dục – đào tạo. Rồi những bất cập trong chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo, những cảnh báo về khó khăn trong việc duy trì chất lượng đội ngũ giáo viên nếu không có sự đột phá trong thu hút người giỏi vào ngành sư phạm và không giữ chân nhà giáo tâm huyết gắn bó với sự nghiệp “trồng người” cũng đã từng nhiều lần được làm “nóng” trên diễn đàn Quốc hội, trên báo chí và trong dư luận.

Do vậy, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần kiên trì với việc đề xuất chính sách lương cho giáo viên và miễn học phí THCS trong sửa Luật Giáo dục lần này, nhất là vấn đề chính sách lương nhà giáo, bởi muốn “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”, thì trước hết cần bắt đầu từ câu chuyện đầu tư để xây dựng được một đội ngũ nhà giáo có năng lực, tâm huyết, gắn bó với nghề. Đây chính là điểm nhấn quan trọng trong quá trình sửa Luật Giáo dục lần này, thể hiện một bước tiến trong chính sách nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, cũng là đáp ứng sự mong chờ của đông đảo các nhà giáo và những người trăn trở, quan tâm tới nghề giáo, quan tâm tới sự nghiệp “trồng người”.

Còn về ý kiến không đồng thuận của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ với những lý lẽ là do ngân sách Nhà nước hạn hẹp, do nhà giáo đã được hưởng phụ cấp ưu đãi, do lo sợ làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề..., theo tôi, là thiếu sức thuyết phục.

Rõ ràng, ai cũng hiểu rằng, không thể đòi hỏi nhà giáo toàn tâm toàn ý trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu “đổi mới giáo dục” khi tổng thu nhập bình quân của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong khối công lập hiện chỉ dao động trong khoảng từ 3 đến 10 triệu đồng. Và chắc chắn, với những lý lẽ nêu trên, trong Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp mà Bộ Nội vụ đang được giao chủ trì xây dựng, vấn đề lương nhà giáo cũng sẽ không thể được tách ra để xem xét, nghiên cứu, giải quyết một cách thỏa đáng.

Tất nhiên, tôi cũng đồng tình với việc cần tìm giải pháp để chính sách ưu đãi nhà giáo có tính khả thi trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Tôi thấy rất nhiều chuyên gia đã hiến kế rồi, có thể là phải cân đối ngay trong tổng 20% ngân sách dành cho giáo dục hàng năm, bằng cách rà soát, cắt bỏ những đề án, dự án giáo dục không hiệu quả hay những khoản đầu tư gây lãng phí mà dư luận đang băn khoăn, hoặc phải đẩy nhanh tiến độ quy hoạch nguồn nhân lực, cơ cấu lại đội ngũ gắn với tinh giản biên chế ngành giáo dục...

Nhà quản lý phải nhận trách nhiệm, không thể bỏ mặc các thầy cô 

Trong câu chuyện 500 giáo viên ở Đắk Lắk mất việc, mặc dù lãnh đạo huyện cho biết hiện chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực, nhưng đã có những phản ánh của giáo viên rằng họ đã mất hàng trăm triệu đồng để xin một suất dạy hợp đồng, huyện có dấu hiệu “ký bừa” dù biết không còn chỉ tiêu. Bà nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của những người đã ký quyết định khiến cho 500 giáo viên bị mất việc?

- Rõ ràng phải quy trách nhiệm cho những người đã ký quyết định hợp đồng cho 500 giáo viên dù biết không còn chỉ tiêu, khiến cho họ phải rơi vào cảnh bị mất việc. Và lãnh đạo huyện cũng không thể vô can trong câu chuyện này.

Dư luận và các giáo viên trong cuộc cũng đã đồng tình với việc UBND tỉnh Đắk Lắk đã có xử lý khá kịp thời khi chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk tạm ngưng việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các giáo viên, đồng thời xem xét, xử lý cán bộ có sai phạm trong quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk.

Tuy nhiên, ai cũng hiểu, đó chỉ là những xử lý về phía người sai phạm. Điều tôi quan tâm hơn là làm sao để giải quyết việc làm cho 500 giáo viên hợp đồng trong điều kiện không còn chỉ tiêu. Đây là bài toán khó đối với các nhà quản lý, nhưng họ phải nhận trách nhiệm, không thể bỏ mặc các thầy cô được.

{keywords}
Hàng trăm giáo viên tập trung tại trụ sở UBND huyện Krông Pắk phản đối vì bị chấm dứt hợp đồng, mất việc

Hiện tượng chạy vào hợp đồng, biên chế trong ngành giáo dục rất phổ biến. Bà nghĩ thế nào về hiện tượng này?

- Đây là dư luận về những tiêu cực liên quan tới vấn đề tuyển dụng nói chung, có lẽ không riêng gì đối với ngành giáo dục, cũng không chỉ là câu chuyện của hơn 500 giáo viên hợp đồng huyện Krông Pắk. Nếu có dấu hiệu tiêu cực trong việc “chạy suất hợp đồng” như phản ánh của giáo viên thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ.

Ở đây, tôi quan tâm nhiều hơn tới căn nguyên sâu xa của vấn đề. Tại sao lại có câu chuyện “chạy hợp đồng, chạy biên chế”? Và tại sao việc “chạy hợp đồng, chạy biên chế” này lại được nhắc tới nhiều hơn ở khâu tuyển dụng vào ngành giáo dục?

Theo tôi, đây là hệ quả tất yếu từ bài toán thừa - thiếu giáo viên cục bộ của ngành giáo dục do thiếu một quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực cho ngành. Nơi này thừa nơi kia thiếu, môn này thừa môn kia thiếu, cấp này thừa cấp kia thiếu...

Rồi cả câu chuyện trong khi tồn tại một số lượng khá lớn sinh viên sư phạm ra trường thiếu việc làm mà các trường sư phạm vẫn tiếp tục tăng số lượng tuyển sinh hàng năm... Số nhân lực vượt quá nhiều so với nhu cầu tuyển dụng thì tất yếu dẫn tới cạnh tranh, kể cả cạnh tranh không lành mạnh mà dư luận gọi là “chạy việc”.

Cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành

Bộ Tài chính quản lý tài chính, Bộ Nội vụ quản lý nhân sự, Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm về chuyện môn. Có ý kiến cho rằng đã đến lúc cần gom về một mối. Quan điểm của bà về ý kiến này?

- Việc có nên gom về một đầu mối thì phải tính toán kỹ lưỡng. Nhưng theo tôi, trong điều kiện hiện nay, giữa các Bộ ngành liên quan tới giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thời cũng cần phân định thật rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành để tránh chồng chéo.

Chẳng hạn như, Bộ Tài chính quản lý tài chính nói chung, nhưng đối với 20% ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục thì cần có quy định về sự phối hợp của Bộ Tài chính với Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc xác định kế hoạch, phân bổ ngân sách và nhất là trong kiểm tra, kiểm soát kết quả quản lý, sử dụng tài chính trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Hay trong vấn đề quản lý nhân sự, cần có sự phối hợp giữa Bộ Nội vụ với Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng và ban hành quy chế, chương trình, nội dung, hình thức thi tuyển giáo viên, giảng viên đảm bảo phù hợp với chuyên môn, chuyên ngành. Và ở các địa phương cần có cơ chế để ngành giáo dục được chủ động tham gia vào khâu tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu vị trí, việc làm.

Có như vậy, mới giải quyết được căn cơ những bất cập liên quan tới chất lượng nguồn nhân lực của ngành giáo dục cũng như tạo môi trường để nhà giáo được làm việc, được cống hiến và được tôn vinh đúng nghĩa.

Nguyễn Thảo thực hiện

Những người để xảy ra câu chuyện 500 giáo viên mất việc: "Rất đáng lên án!"

Những người để xảy ra câu chuyện 500 giáo viên mất việc: "Rất đáng lên án!"

Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng những người để xảy ra câu chuyện 500 giáo viên bị dừng hợp đồng ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) rất đáng lên án.

"Thật đáng buồn khi một đề xuất chính sách giáo dục đúng đắn bị bác bỏ"

"Thật đáng buồn khi một đề xuất chính sách giáo dục đúng đắn bị bác bỏ"

 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3 không có đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí cấp THCS.

Hiệu trưởng nhận 300 triệu chạy việc, cắt xén lương giáo viên

Hiệu trưởng nhận 300 triệu chạy việc, cắt xén lương giáo viên

Một hiệu trưởng tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã bị công an triệu tập do bị người dân, giáo viên làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo nhận tiền chạy việc, cắt xén lương giáo viên.

Tăng lương giáo viên, miễn học phí THCS: "Cần có lộ trình"

Tăng lương giáo viên, miễn học phí THCS: "Cần có lộ trình"

 Ban soạn thảo Dự án Luật Giáo dục sửa đổi cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên về lương nhà giáo và miễn học phí THCS vì đây là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm tới giáo dục.

Bỏ đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí THCS: "Thật đáng tiếc!"

Bỏ đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí THCS: "Thật đáng tiếc!"

GS Đào Trọng Thi bày tỏ trước thay đổi này trong dự thảo mới nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Giáo viên tố hiệu trưởng nhận tiền chạy việc bằng… vay, mượn?

Giáo viên tố hiệu trưởng nhận tiền chạy việc bằng… vay, mượn?

Đã có người thân của giáo viên bị chấm dứt hợp đồng đứng ra tố cáo hiệu trưởng nhận tiền chạy việc, lo biên chế nhưng cuối cùng con họ vẫn bị đẩy ra đường.