Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm) cho biết, cùng với việc đình chỉ 2 trung tâm đăng kiểm, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác đăng kiểm trên cả nước vào dịp cuối năm, đặc biệt khu vực phía Nam.
Theo ông Quân, Cục Đăng kiểm giám sát trung tâm đăng kiểm bằng hệ thống camera, tuy nhiên việc ghi hình ở các đơn vị khi có vấn đề thì phúc tra lại là chính. Trong khi việc khuất tất, tiêu cực trung tâm vi phạm không để camera ghi được. Do vậy, cần phải kiểm tra trực tiếp, nếu có hiện tượng tiêu cực đơn vị sẽ xử lý nghiêm.
Ngoài ra, từ ngày 21/12, Cục Đăng kiểm quyết định dừng toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới đối với hai đơn vị đăng kiểm 50-17D (Nhà Bè, TP.HCM) và 50-10D (Củ Chi, TP.HCM). Thời gian dừng hoạt động trong 3 tháng.
Cục Đăng kiểm giao Phòng Kiểm định xe cơ giới của cục quản lý, giám sát trong thời gian hai đơn vị 50-17D và 50-10D tạm đình chỉ hoạt động kiểm định.
Sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ, các đơn vị trên muốn hoạt động trở lại phải có văn bản đề nghị cho phép tiếp tục hoạt động kiểm định trở lại gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trước đó, ngày 20/12, Công an TP.HCM thông tin về đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác tại 9 trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp.
Để có tiền chia cho các nhân viên và làm quỹ hoạt động, giám đốc các trung tâm đăng kiểm nêu trên đã chỉ đạo nhân viên trung tâm, bao gồm các phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng… trong quá trình kiểm định chất lượng, đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thu lợi bất chính hơn 10 tỷ đồng.
Thủ đoạn cụ thể là bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải…