Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) về một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh nêu: Hiện nay tại một số tuyến cao tốc không có dải phân cách và không có làn dừng xe khẩn cấp, do đó rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất đầu tư tất cả cao tốc 2 làn xe chạy và 1 làn khẩn cấp, đồng thời nâng giới hạn tốc độ lên 120km/h để tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân.

Trước kiến nghị của đại biểu, Bộ GTVT cho biết, theo kinh nghiệm của thế giới, sự phát triển nền kinh tế của một quốc gia gắn liền với việc sớm đầu tư, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc vì đường bộ cao tốc là loại đường có năng lực thông hành lớn, mức độ an toàn và tính linh hoạt cao.

Tuy nhiên, nguồn vốn luôn là thách thức đối với nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Trong các giai đoạn vừa qua, mức vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng chỉ đạt khoảng 2,18% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 3,5 - 4,5% GDP đặt ra trong Chiến lược phát triển giao thông vận tải. Vì vậy, việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư là rất quan trọng.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”, tương ứng tốc độ xây dựng đường cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 380km/năm, gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước.

Cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45 thiết kế 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp (Ảnh: Hoàng Hà) 

“Như vậy, áp lực đầu tư đường cao tốc là rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế”, Bộ GTVT nêu.

Lý giải vì sao chỉ làm đường cao tốc 2 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, Bộ GTVT cho biết đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm phát triển của thế giới để xem xét phân kỳ đầu tư bề rộng mặt cắt ngang phù hợp với nguồn lực đầu tư và nhu cầu vận tải. Bộ cũng sẽ xem xét mở rộng mặt cắt ngang khi nhu cầu vận tải tăng lên trong tương lai.

Một số đoạn tuyến cao tốc có nhu cầu vận tải lớn đã được xem xét đầu tư tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh, có dải dừng xe khẩn cấp liên tục như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu,…

“Việc đầu tư phân kỳ là giải pháp chấp nhận được trong điều kiện nhu cầu vận tải trên tuyến trong giai đoạn đầu chưa cao, nguồn vốn còn hạn hẹp. Trong thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất mở rộng các tuyến cao tốc đã được phân kỳ cho phù hợp nhu cầu thực tế phát triển kinh tế xã hội, từng bước hoàn thành mạng lưới đường bộ cao tốc theo quy hoạch”, Bộ GTVT nêu rõ.