Theo báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” từ năm 2023 đến ngày 13/6 của Bộ KH&ĐT, cán bộ thực hiện Đề án chủ yếu là kiêm nhiệm. Kinh phí thực hiện Đề án được lồng ghép trong kinh phí của các chương trình, đề án khác. 

Mặc dù còn khó khăn về con người và kinh phí hoạt động, nhưng Bộ KH&ĐT đã rất cố gắng thực hiện Đề án. Cụ thể, tại Cổng thông tin điện tử của Bộ đã thiết kế một chuyên mục độc lập về tiếp cận thông tin.

Trong đó cập nhật, đăng tải toàn bộ Danh mục thông tin phải được công khai; thông tin về đầu mối cung cấp thông tin cho công dân; địa chỉ tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin qua mạng điện tử; các mẫu phiếu sử dụng trong cung cấp thông tin; các hướng dẫn, tài liệu để hỗ trợ người yêu cầu cung cấp thông tin. 

Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thiết kế một số chuyên mục độc lập để công dân chủ động tiếp cận thông tin.

bộ khva đt.jpg
Bộ KH&ĐT đã rất cố gắng thực hiện Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Ảnh: Báo Đầu tư

Theo Bộ KH&ĐT, các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ tham mưu ban hành đều được tổ chức phổ biến, triển khai đến các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan thông qua nhiều hình thức, như hội nghị, hội thảo, tập huấn, đăng tin bài, phóng sự và cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại chính sách giữa các nhóm công tác với các cơ quan quản lý nhà nước trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF); chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban ngành và các tổ chức quốc tế để tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ, các hội nghị với các Hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường phổ biến, truyền thông các văn bản QPPL đến người dân, doanh nghiệp.

Quy chế cung cấp thông tin cho công dân

Việc quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn, ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” được lồng ghép trong chỉ đạo, hướng dẫn, ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện công tác phổ biến pháp luật của Bộ.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành Quy chế cung cấp thông tin cho công dân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Quyết định số 37/QĐ-BKHĐT ngày 11/01/2019. 

Quy chế này đã được gửi tới tất cả các đơn vị thuộc Bộ, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để các tổ chức, cá nhân được biết và thực hiện. Quy chế quy định về việc công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân thuộc phạm vi trách nhiệm cung cấp thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Việc triển khai Quy chế cung cấp thông tin cho công dân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tạo ra cơ chế cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân thuộc phạm vi trách nhiệm cung cấp thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; góp phần tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.

Việc này giúp nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Về vai trò của tổ chức pháp chế trong tham mưu tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, Bộ đã giao Vụ Pháp chế là đầu mối, các đơn vị thuộc Bộ phối hợp tham mưu cho Bộ trong triển khai thực hiện Quyết định số 977/QĐ-TTg.

Vụ Pháp chế luôn đồng hành, phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong các hoạt động của triển khai nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.