Thời gian gần đây, nhóm đàn ông tụ tập "ăn dầm nằm dề" ở cửa hàng KFC hầm B1 tại Metro City Từ Gia Hối (Thượng Hải, Trung Quốc) khiến nhiều người chú ý. Phần lớn trong số đó là những người khỏe mạnh, khoảng 30-40 tuổi nhưng không làm việc.
Theo Sohu, những người này tới và ở trong quán cả ngày, ăn đồ thừa của khách, nằm dài trên ghế chợp mắt khi mệt, thậm chí họ sử dụng nhà vệ sinh để tắm rửa. Họ được gọi là "bộ lạc chiếm chỗ".
Tối 23/08, phóng viên đã tìm tới cửa hàng KFC ở khu tầng 1 và hầm B1 Metro City. Dù đã 20h, quán vẫn đông, 2/3 chỗ ngồi đã kín, khách vẫn ùn ùn kéo vào gọi món.
Giữa đám đông, đập vào mắt phóng viên là nhóm những vị khách không gọi món mà ngồi vạ vật, người sạc pin điện thoại từ ổ điện của cửa hàng, người nằm úp mặt xuống bàn mệt mỏi.
Những người đàn ông trong "bộ lạc chiếm chỗ" ngủ vạ vật trong cửa hàng. |
Cuộc sống ăn đồ thừa, ngủ vạ vật
Một người đàn ông mặc áo phông xanh gây chú ý khi đứng dậy, rời khỏi nhóm đang tụ tập để tìm kiếm đồ ăn trên những chiếc đĩa khách vừa bỏ lại. Anh ta ngó qua từng đĩa, lắc lắc các ly đồ uống để kiểm tra.
Trong khoảng 1 tiếng, người này đã lục tung 5 đĩa đồ ăn thừa nhưng cũng chỉ tìm được một chút đồ ăn và nước uống còn sót lại.
21h, khách về dần, càng dễ nhận ra nhóm người "chiếm chỗ". Đặc điểm chung của những người này đều mặc áo phông ngắn tay, đi giày thể thao và mang ba lô.
Sau một hồi tìm kiếm, người đàn ông mặc áo phông xanh cuối cùng tìm được một phần ăn thừa còn khá đầy đặn. Anh ta quay về nhập hội với nhóm "chiếm chỗ", ngồi xuống mải mê lướt điện thoại cho tới khi quán đóng cửa lúc 23h.
"Bộ lạc chiếm chỗ" đã tìm được cách tồn tại trong khu vực cửa hàng KFC, bởi nơi này nằm trong khu thương mại Từ Gia Hối phồn hoa, diện tích mặt bằng lớn, có điều hòa, mạng Internet và ổ cắm điện miễn phí.
Nhiều người nằm lì cho tới khi quán đóng cửa. |
Ngoài những người thuộc "bộ lạc", trong cửa hàng còn có học sinh, sinh viên tới làm bài tập, những nhóm khởi nghiệp trẻ ngồi bàn kế hoạch kinh doanh, những đôi nam nữ tìm chỗ nghỉ chân sau khi đi dạo hay mua sắm...
Nhân viên tại đây đối xử bình đẳng với tất cả khách hàng và không can dự quá sâu vào vấn đề cá nhân của họ.
Nhiều khách hàng thường xuyên cũng thẳng thắn cho biết họ không lạ gì với những người trong "bộ tộc chiếm chỗ" nhưng không lấy làm khó chịu.
Mặc dù những người "chiếm chỗ" hiếm khi gọi đồ ăn và tìm thức ăn thừa, họ không gây trở ngại, phiền hà cho thực khách khác. Ngược lại, những người này cố gắng giảm bớt sự tồn tại trong mắt người khác, cố gắng tỏ ra mình là một vị khách bình thường.
Những vị khách "chiếm chỗ" thỉnh thoảng có nói chuyện với nhau nhưng thực ra không quen biết hay thân thiết.
Cuộc sống tạm bợ
Một người đàn ông trong "bộ lạc chiếm chỗ" tự giới thiệu đến từ Cáp Nhĩ Tân, đã làm việc ở Thượng Hải 5 năm. Ông kiếm sống bằng nghề trang trí, lắp đường ống nước hay lắp đặt đồ đạc. Khi không có việc, ông tới quán KFC để "ngồi đồng".
Người đàn ông cố gắng tiết kiệm chi phí hết mức. Ông chỉ thuê chỗ ngủ với giá 20 tệ/ngày, có thể tìm thuê trên mạng. Ông ăn uống dè sẻn, tới quán để kiếm đồ ăn thừa. Ông tìm việc qua người quen hoặc trung gian nhưng chỉ nhận những nơi không thu phí môi giới.
Những người giống như người đàn ông trên thường rời quán lúc 22h để kịp bắt xe về chỗ ngủ. Cũng có người ngồi tới khi quán đóng cửa, họ là những người vô gia cư.
Còn trẻ khỏe nhưng nhiều người không đi làm mà chọn cuộc sống tạm bợ. |
Người đàn ông mặc áo phông xanh cũng là một kẻ sống cảnh "màn trời chiếu đất". Anh không muốn thuê giường ngủ với giá 20 tệ vì cho rằng trong căn nhà thuê chung có rất nhiều kẻ bừa bộn, sống phức tạp, anh thích ở ngoài trời hơn.
"Tôi không thuê nhà, cũng chẳng có việc làm. Phần lớn thời gian tôi đi chơi, dạo bộ và tới quán để ngồi".
Một người đàn ông trong "bộ lạc chiếm chỗ" nói rằng anh không thể đi làm vì mất chứng minh nhân dân. Nhưng khi phóng viên đề nghị giúp đỡ, người này lại kiên quyết từ chối.
Đây không phải lần đầu tiên có nhóm người "chiếm chỗ" tại khu vực kinh doanh, nơi công cộng ở Trung Quốc. Nhiều người bất mãn cho rằng đó là hành vi thiếu văn minh, chiếm dụng tài nguyên của doanh nghiệp.
Một số ý kiến khác cho rằng vấn đề không phải "bộ lạc chiếm chỗ" gây ảnh hưởng tới người khác mà nằm ở cách họ đối xử tệ với bản thân. Những người khỏe mạnh, đang ở tuổi lao động lại muốn ngồi im, lười lao động, ăn đồ thừa, sống vạ vật là điều khó chấp nhận.
Theo Zing
Chàng công nhân thất nghiệp bỗng dưng trở thành ngôi sao TikTok
Với 100 triệu người theo dõi trên TikTok, Khaby Lame trở thành tài khoản được theo dõi nhiều thứ 2 trên thế giới.