Đánh giá về tình hình thị trường lao động, tiền lương năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đơn vị đã tập trung vào thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách tiền lương trong doanh nghiệp như điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng bình quân 6%.
Tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp cơ bản giữ được sự hài hòa và ổn định, các hoạt động đối thoại, thương lượng ngày càng đi vào thực chất.
Năm 2024, đời sống của người lao động được cải tiến, tiền lương, thu nhập tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020. Bên cạnh đó, đã thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm năm 2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn 2021-2024, thị trường lao động có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm việc, ngừng việc lớn khiến cho số lao động có việc làm giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc; tập trung triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động...
Thị trường lao động phục hồi nhanh và có bước phát triển, tuy nhiên, có sự thiếu hụt lao động nhẹ tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
Qua khảo sát nhanh của Bộ LĐ-TB&XH, đã xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động nhưng không nghiêm trọng, nguyên nhân là do một số doanh nghiệp lớn có thêm các đơn hàng phục vụ cho các ngày lễ cuối năm trong khi doanh nghiệp không có phương án chuẩn bị sẵn nguồn lao động. Số lao động mà doanh nghiệp thiếu chủ yếu là lao động phổ thông, trong các ngành dệt may, lắp ráp điện tử.
Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn (tính chung 9 tháng năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,6%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Đến nay có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên (cả nước chỉ có 28,1% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ).