- Trước kết quả thi tốt nghiệp có nhiều ì xèo, có nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GD-ĐT nên nhường quyền tổ chức thi tốt nghiệp cho địa phương hay tổ chức khác. VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ (TS) Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo thuộc ĐHQG TP.HCM.

TS Vũ Thị Phương Anh
Phóng viên
: Bà đã từng nói mình được Nhà nước cử đi học tại Úc đúng chuyên ngành đo lường-đánh giá giáo dục vào những năm 1994-1997; lúc ấy Bộ GD-ĐT đã bắt đầu nói về cải cách thi cử, cụ thể là 2 kỳ thi quan trọng nhất là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Hăm hở đi học xong, nghĩ rằng lúc về mình sẽ có cơ hội tham gia vào những chuyện thi cử ấy nhưng rồi mọi việc đã diễn ra như mọi người đã biết. Cho đến nay, sau 15 năm, việc cải cách đó vẫn tiếp tục diễn ra, mà mãi vẫn chưa có giải pháp nào tạm gọi là ổn được cả. Theo bà, tại sao Bộ GD-ĐT vẫn loay hoay với việc cải cách thi cử mà chưa thấy dấu hiệu khả quan?

TS Vũ Thị Phương Anh: Nói như thế này thì sáo mòn! Nhưng đúng như nhiều nhà giáo dục trong nước đã nói, chúng ta thiếu một triết lý cho sự thay đổi.
Cách làm hiện nay cho thấy chúng ta giống như người đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng nghe.
Một ví dụ rất cụ thể: năm 2007 chúng ta cải cách theo hướng tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, thực chất, dù có đau lòng nhưng vẫn cần biết “bệnh” ở đâu để còn chữa.
Kết quả là tỷ lệ tốt nghiệp giảm sút khá nhiều. Nhưng sau đó, ta lại thay đổi theo hướng nới lỏng kỳ thi, lúc ấy thì lập luận lại là “giảm sức ép cho học sinh”. Do cứ thay đổi mục tiêu liên tục như vậy, nên khó lòng có thể thấy được tác dụng của bất kỳ giải pháp nào, dù đó là một giải pháp thực sự hay.

Những nước như Úc, Mỹ, việc thi tốt nghiệp có căng thẳng và gặp khó khăn gì không? Nếu thực hiện tổ chức thi cử như các nước này, Việt Nam có gặp khó khăn gì không?

 Ở Mỹ và Úc, việc thi tốt nghiệp khá nhẹ nhàng, và do từng tiểu bang quyết định.

Ngoài kỳ thi tốt nghiệp nhằm xác nhận việc kết thúc quá trình học trung học, còn có các kỳ thi năng lực nhằm so sánh người học theo một thang đo thống nhất (ví dụ như các kỳ thi SAT hoặc ACT của Mỹ).

Mục đích của những kỳ thi này là để phục vụ việc tuyển sinh đại học. Do kết quả của những kỳ thi này góp phần quyết định học sinh được tuyển vào trường nào nên đây là những kỳ thi khá căng thẳng, nhưng thí sinh có quyền tự lên kế hoạch thi nhiều lần (chưa cần tốt nghiệp) để biết khả năng của mình nhằm nộp đơn vào những trường mà mình có nhiều cơ hội được nhận. Hai kỳ thi này có mục đích hoàn toàn khác nhau.

"Tôi vẫn giữ quan điểm là không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chỉ nên làm tốt hơn công tác tổ chức kỳ thi này. Riêng tuyển sinh đại học thì nên giao lại cho các trường đại học."- TS Vũ  Thị Phuơng Anh.
Ở Việt Nam, do chưa có các tổ chức khảo thí độc lập của tư nhân giống như các nước phát triển nên chưa thể làm như trên.

Tuy nhiên, khi giao quyền tự chủ cho các trường – tất nhiên các trường phải theo một quy định thống nhất và chịu sự giám sát của Bộ - thì tôi tin là dần dà chúng ta cũng sẽ có những tổ chức chuyên nghiệp như vậy thoát thai từ các trường đại học lớn.

Đây là điều đã xảy ra tại ĐH Cambridge: bộ phận khảo thí của trường này không chỉ phục vụ việc tuyển sinh của trường mà còn thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực người học trên toàn thế giới trong nhiều lãnh vực (trong đó tiếng Anh chỉ là một lĩnh vực).

Theo bà, có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp không? Hoặc nếu không bỏ thì có nên giao việc tổ chức thi tốt nghiệp cho các địa phương hay cho một tổ chức độc lập, còn Bộ chỉ việc lo chuẩn kiến thức thi tối thiểu và công nhận kết quả, nếu ai làm sai thì "thổi còi"?

Tôi vẫn giữ quan điểm là không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chỉ nên làm tốt hơn công tác tổ chức kỳ thi này. Riêng tuyển sinh đại học thì nên giao lại cho các trường đại học.

Rất nên giao việc tổ chức thi tốt nghiệp cho các địa phương hay cho một tổ chức độc lập, nhưng trước khi giao, Bộ phải có quy định về những năng lực và điều kiện cần có để được Bộ giao quyền này.

Quy định mà tôi nói ở trên sẽ rất quan trọng, vì nếu quy định sai thì mọi việc sẽ hỏng ngay từ đầu. Vì vậy, nếu đầu tiên chúng ta chưa làm được thì nên nhờ (thuê) các chuyên gia nước ngoài xây dựng cho chúng ta. Đây chính là một trong những mục tiêu mà chúng ta muốn đạt được thông qua việc vay tiền Ngân hàng thế giới để cải cách giáo dục đại học.
Thí sinh sau giờ thi tốt nghiệp ở TP.HCM. Ảnh: Hương Giang
Theo bà, nhân lực có khả năng chuyên môn về kiểm tra, đánh giá ở nước ta có đủ số lượng tham gia vào công việc này trong kỳ thi tốt nghiệp?


Tôi nghĩ là đủ. Vấn đề là tập hợp lại được những người này, và có một cơ chế để cho họ làm việc tốt.

Tôi vẫn nhớ khi mới bắt đầu nhận học bổng để đi học tiến sĩ tại Úc vào năm 1994, GS Patrick Griffin thuộc ĐH Melbourne, một chuyên gia về đo lường-đánh giá giáo dục có nhiều quan hệ với ngành giáo dục Việt Nam lúc ấy đã nói với tôi:

“Với số lượng những người Việt Nam được cử đi học tại Úc về ngành đo lường-đánh giá như hiện nay, khi các bạn trở về thì tôi tin rằng chỉ khoảng 5 năm sau thì các bạn không những có khả năng tự xây dựng các bài thi chuyên nghiệp cho mình mà còn có thể làm cho các nước khác trong khu vực nữa!” Vậy mà bây giờ tôi đã về gần 15 năm rồi, như tôi đã từng phát biểu.

Có lẽ chúng ta cần một lần dứt khoát xác định rõ mục tiêu của cải cách thi cử: cải cách là vì lợi ích của chính người học, và vì lợi ích của toàn xã hội chứ không phải vì thành tích của ngành, hay để bảo vệ quan điểm của một vài người, hay vì những mục tiêu ngầm nào khác, hay, đơn giản là cải cách chỉ là để … cải cách.

Đó là ý kiến bà từng phát biểu. Theo tiến sĩ, để cải cách vì lợi ích người học thì phải làm những việc gì?

Rất đơn giản: Mục đích của thi cử là để cung cấp thông tin chính xác cho các bên có liên quan, từ đó giúp người học chọn được cơ hội tốt nhất cho chính mình. Muốn như vậy, các kỳ thi phải thực chất, và bài thi phải vừa sức và đúng với mục tiêu của từng kỳ thi. Không nên nhầm lẫn mục tiêu của hai kỳ thi này, đó là điều mà nhiều người đã phát biểu nhiều lần, nhưng không hiểu sao cho đến nay điều này vẫn cần phải nhắc lại.

Ngoài ra, để làm tốt thì chỉ một mình Bộ Giáo dục thì không thể làm hết mọi thứ. Phải trao quyền và trách nhiệm về địa phương và các trường đại học. Bộ chỉ cần làm tốt 2 việc thôi: đưa ra chính sách đúng, và giám sát việc thực hiện chính sách.

  • Hương Giang (Thực hiện)