Theo Nghị quyết số 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, dự kiến từ 1/7 tới sẽ tiến hành cải cách tiền lương.
Theo đó, lương mới sẽ bao gồm lương cơ bản chiếm 70% và 30% gồm các khoản phụ cấp. Việc sẽ không còn phụ cấp thâm niên nhà giáo sau cải cách tiền lương khiến nhiều giáo viên băn khoăn, đặc biệt là đối với các giáo viên đã công tác lâu năm.
Liên quan vấn đề này, Bộ Nội vụ cho hay Nghị quyết số 27 của Trung ương đã nêu rõ: "Thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".
Hiện Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới (trong đó có chế độ tiền lương đối với đội ngũ giáo viên) trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7 tới.
Cũng theo Bộ Nội vụ, để khắc phục các bất cập trong chính sách tiền lương thời gian qua, khi thực hiện cải cách tiền lương, ngoài giáo viên thì cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực cộng, trừ quân đội, công an, cơ yếu) sẽ không còn phụ cấp thâm niên nghề.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, cải cách tiền lương đã thay đổi một cách căn bản chi trả lương, không còn nhiều khoản phụ cấp (17 khoản phụ cấp và rất nhiều phụ cấp đặc thù) như trước đây.
Theo báo cáo của Chính phủ hiện nay còn 36 ngành lĩnh vực là có phụ cấp đặc thù với hơn 134.000 người đang hưởng, trong đó có lĩnh vực ý tế, giáo dục, quân đội…
Số người trên đang được hưởng lương đặc thù cao hơn mặt bằng chung, nhưng khi cải cách tiền lương số cán bộ công chức, viên chức này sẽ không được hưởng thu nhập đặc thù.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người lao động trước hết nhà nước cho bảo lưu như hiện hành, thế nhưng bảo lưu bao lâu và bảo lưu như thế nào thì nhà nước đang nghiên cứu.
Một chuyên gia lao động đề xuất, cải cách tiền lương chỉ nên giữ lại các khoản phụ cấp chính chứ không nên cào bằng, nghề nào cũng có phụ cấp. Phải đưa các khoản phụ cấp về đúng giá trị thực, phụ cấp chỉ là phụ, tiền lương mới là khoản chính và phụ cấp không thể cao hơn lương...
Lương phải là nguồn thu nhập chính
Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Do vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi, cải cách tiền lương, chính sách lương mới ra đời sẽ góp phần giải quyết được tình trạng phụ cấp là phần mềm lương chính là phần chính, nhưng có ngành nghề phần thu nhập “mềm” lớn hơn phần chính khi có đến 70 - 80% là phụ cấp mà lương chính chỉ có 20-30%, làm cho tiền lương không còn nhiều ý nghĩa.
Cũng theo ông lợi, khi cải cách tiền lương nhà nước đã gộp phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp trách nhiệm, phụ độc hại nguy hiểm và gọi chung chỉ là phù cấp theo nghề và được áp dụng với tất cả công chức, viên chức và những nghề có yếu tố lao động nặng nhọc cao hơn bình thường như: giáo dục, y tế, toà án, kiểm soát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm… Tất cả các phụ cấp này sẽ nằm trong phụ cấp ưu đãi và theo nghề.
“Bản chất các ngành y tế, giáo dục và các ngành được hưởng trợ cấp ưu đãi đã có phần phụ cấp được xác định rồi. Phụ cấp đó sẽ khắc phục được tình trạng người lao động bị thiệt”, ông Lợi nói thêm.
Những ngành hiện nay đang hưởng phụ cấp đặc thù với 36 đơn vị (hơn 134.000 người) nhà nước cho bảo lưu tính toán sau, để khắc phục lương mới phải cao hơn lương hiện hưởng.