- Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đồng tình không hạn chế chữ cái nhưng phải có cách để tránh tình trạng đặt tên "lung tung beng" như thời gian qua.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH tại kỳ họp trước, dự thảo mới nhất của bộ luật Dân sự sửa đổi được trình hôm nay trước UH Thường vụ QH đã bỏ quy định đặt tên không được quá 25 chữ cái.
"Đó là do chưa xác định rõ được cơ sở hợp lý của việc giới hạn này và cũng không phù hợp với quy định của Hiến pháp. Một số trường hợp cá biệt đặt tên quá dài, ảnh hưởng đến công tác quản lý hộ tịch, không thuận tiện trong giao dịch sẽ được thực hiện thông qua phương pháp tuyên truyền, giáo dục", Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.
Dự thảo cũng quy định lại đối với trường hợp phụ nữ độc thân có con: Họ của con do người mẹ quyết định.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường |
Tuy vậy, tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường vẫn còn nhiều băn khoăn về chuyện đặt tên: Cách đặt tên hiện nay đang rất phức tạp. Pháp luật các nước cũng quy định chặt chẽ việc đặt tên, để không có chuyện người Kinh đặt tên người dân tộc, tiếng nước ngoài, thậm chí là do hậm hực với chính sách dân số, rất phản cảm.
"Thay vì hạn chế số lượng chữ cái, rất cần nhấn mạnh việc đặt tên phải phù hợp với tập quán dân tộc, địa bàn, địa phương. Ví dụ nước Nga mênh mông bể sở, dân số rất nhiều nhưng nhìn thấy chữ đệm là biết ngay tên bố. Ta thì lung tung beng. Cũng nên quy định nếu tên không phù hợp thì cơ quan đăng ký hộ tịch có thể hướng dẫn, giải thích cho người dân, nếu đồng thuận hẵng ký chứ không lại tên Hàn Quốc, Rô-nan-đô đủ kiểu", Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự
Dự thảo bộ luật giữ nguyên quy định "Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng". Nội dung này có rất nhiều ý kiến khác nhau khi đưa ra thảo luận tại QH kỳ họp vừa rồi.
Dự thảo cho phép tòa án trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng, có thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện không đồng tình: Quyền dân sự của công dân không chỉ có tòa án mà tùy loại việc, chính quyền từ cấp phường trở lên, các cơ quan dân cử rồi đến các cơ quan tư pháp, đều có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự. Bắt tòa án xử mọi việc tranh chấp dân sự là không hợp lý.
"Có luật mà xử còn sai bét ra, giờ áp dụng cả lẽ công bằng thì khác nào chấp nhận sơ xẩy. Tòa sơ thẩm bảo thế này là lẽ công bằng, lên phúc thẩm là bảo lẽ công bằng là thế khác, cực kỳ lộn xộn", ông Hiện nói khá gay gắt. Chủ nhiệm UB Tư pháp còn khá hoài nghi về trình độ thẩm phán cấp huyện, cấp chiếm đến 70% các vụ việc dân sự.
Phó Ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh đồng tình với quy định rất mới này trong dự thảo nhưng đề nghị quy định rất rõ các phương tiện mà tòa án có thể áp dụng trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.
Chung Hoàng