Thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trong đó có nội dung "Xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

{keywords}
Tỉnh táo trên mạng xã hội để không trở thành nạn nhân của tin giả

Việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; Bộ quy tắc đưa ra khuyến nghị chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Môi trường mạng xã hội hiện nay rất đa dạng và phức tạp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021, là kịp lúc để định hướng cho các bên liên quan cách thức ứng xử lành mạnh và văn minh hơn, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trên môi trường mạng, góp phần phát triển môi trường mạng theo hướng an toàn, lành mạnh hơn cho tất cả mọi người, không để ai bỏ lại phía sau trong đời thực cũng như trên môi trường mạng.

Bộ Quy tắc áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: Cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

Bộ Quy tắc chỉ mang tính khuyến nghị, khuyến cáo có bản chất là tập hợp tất cả các quy định về các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng. Tuy nhiên, trong trường hợp, các đối tượng tham gia mạng xã hội, tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Hiện nay, về cơ bản, các quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội đã được quy định rất rõ trong các Luật và Nghị định liên quan.

4 quy tắc ứng xử chung

Bộ quy tắc đưa ra 4 quy tắc ứng xử chung áp dụng cho các nhóm đối tượng, để dễ hiểu, dễ nhớ, có thể tóm gọn lại nội dung 4 quy tắc chung bằng các cụm từ sau: Tôn Trọng-Trách nhiệm -An toàn -Lành mạnh. Trong đó, các cụm từ được hiểu như sau:

Tôn trọng: Là tôn trọng pháp luật, tôn trọng người tham gia mạng xã hội, tôn trọng các quy định của nhà cung cấp dịch vụ xã hội để có các hành vi đúng đắn, hướng tới những điều tốt đẹp. Đó cũng chính là tôn trọng bản thân mình.

Trách nhiệm: Trách nhiệm ở đây có nghĩa người tham gia mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội. Người tham gia dịch vụ mạng xã hội cũng như các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

An toàn: Là an toàn và bảo mật thông tin. Người tham gia mạng xã hội phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn về an toàn thông tin, bảo mật thông tin.

Lành mạnh: Các hành vi ứng xử trên mạng xã hội phải phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Ngoài ra, Bộ Quy tắc đưa ra các quy tắc cụ thể cho từng nhóm đối tượng như: Cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, không tung tin giả, sai sự thật, không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...

Cơ quan nhà nước nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội về vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.

Các nhà cung cấp dịch vụ mạng được khuyến nghị tuân thủ nhiều nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hoài Thanh