Lời tòa soạn
Từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức bị "khai tử". Theo Bộ Công an, có 7 phương thức để thay thế sổ hộ khẩu, trong đó chủ yếu thực hiện trên không gian Internet. Tuy nhiên, nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt" khi bỏ hộ khẩu giấy, người dân phải ngược xuôi đi xác nhận cư trú. PV VietNamNet trực tiếp ghi nhận tại các địa phương.  

Mất 4 vé máy bay vì “giấy cư trú”

Theo quy định từ 1/1/2023 không dùng hộ khẩu giấy, người dân làm thủ tục nhập học cho con, đăng ký định mức điện nước, vay ngân hàng, mua bán tài sản... chỉ cần xuất trình căn cước công dân (CCCD) gắn chip là đủ chứng minh thông tin cư trú.

Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp người dân đang chật vật với giấy xác nhận cư trú. 

Chiều cuối tháng 2/2023, anh Trần K. (phường Tam Bình, TP. Thủ Đức, TP.HCM) vừa nhận xong giấy xác nhận cư trú ra khỏi công an phường, khi được hỏi liền bày tỏ “thay sổ hộ khẩu bằng CCCD không biết cải tiến hay cải lùi mà người dân quá khổ”.

Anh cho biết, là người thường xuyên giao dịch, mua bán bất động sản ở nhiều tỉnh, thành, nên việc xin giấy xác nhận cư trú với anh là chuyện thường ngày.

Anh Trần K. kể, cách đây không lâu, có khách hàng liên hệ mua đất của anh ở TP Đà Nẵng. Anh mua vé máy bay bay ra để hoàn thành các thủ tục giao dịch. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ, công chứng viên yêu cầu anh phải có giấy xác nhận cư trú mới có thể hoàn tất giao dịch. 

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại TP. Thủ Đức. Ảnh: Hồ Văn 

Lý do mà công chứng viên đưa ra là khi quét mã trên CCCD của anh K., một số thông tin cần thiết không hiện lên tường căn cước. 

“Để giao dịch thành công việc này, tôi phải đi lại TP.HCM-Đà Nẵng hai lượt bay, mất 4 vé máy bay và tốn rất nhiều thời gian”, anh K. kể. 

Theo anh K., trước đây, khi còn sử dụng sổ hộ khẩu, mọi việc đều diễn ra thuận lợi, không cần xác nhận cư trú. Hiện nay, dùng CCCD thì các giao dịch cần phải bổ sung thêm giấy xác nhận cư trú.

Vì theo các văn phòng công chứng, CCCD khi quét mã vẫn không hiện các thông tin cần thiết cho việc giao dịch. Các công chứng viên và nhân viên tư pháp cho biết, họ không thể lấy được thông tin từ CCCD vì việc chia sẻ dữ liệu chưa đồng bộ. 

Cũng theo anh K, giấy xác nhận cư trú (mẫu CT07), cũng chỉ được cấp thời hạn 1 tháng. Khi có giao dịch mới ngoài địa chỉ thường trú, anh lại phải đi xin thêm giấy khác. 

Một chủ nhà trọ ở phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức cũng than phiền, mới đây, nhà trọ của ông có thêm người ở, ông phải ra đăng ký thêm định mức điện, nước cho họ. Tuy nhiên, bên điện nước thông báo, phải có giấy xác nhận cư trú cho những người mới, mới đăng ký được định mức. 

Chủ nhà trọ búc xúc: "Trước đây, khi chưa có CCCD, chỉ cần photocopy hộ khẩu, có tên đầy đủ người ở trọ là được đăng ký ngay định mức điện nước. Nay, có CCCD lại phải bổ sung giấy xác nhận cư trú là quá nhiêu khê, gần như là thêm “giấy phép con”, chỉ làm khổ người dân". 

Một công dân khác có hộ khẩu ở huyện Củ Chi, đang tạm trú ở TP Thủ Đức, khi đi đăng ký định mức nước, bên đơn vị cấp nước cũng yêu cầu anh phải quay về nơi thường trú xin giấy xác nhận cư trú.

Đồng thời, nhiều người dân đi làm thủ tục cũng cho biết, việc bổ sung giấy xác nhận cư trú không phải được cấp ngay, thường phải chờ 2-3 ngày, có người lâu hơn. 

Khổ nhất là các công nhân (ngoại tỉnh) làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khi đăng ký cho con vào trường học, hay nộp hồ sơ xin việc tại các doanh nghiệp… đều được yêu cầu phải có giấy xác nhận cư trú. 

Chị Nguyễn Thị B, làm việc tại khu chế xuất Linh Trung I (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), năm nay có con vào lớp 1. Khi lên đăng ký danh sách, nhưng thiếu giấy xác nhận cư trú, cán bộ khu phố yêu cầu chị phải bổ sung thêm. 

“Làm công nhân như em, xin nghỉ việc một ngày để đi nộp hồ sơ cho con đã khó, nay có thêm việc bổ sung giấy xác nhận. Vậy là vừa rồi em phải khó khăn lắm mới xin nghỉ được ít ngày để hoàn tất việc đăng ký cho con vào lớp 1”, chị B nói. 

Người dân bị phiền hà, cán bộ cũng thêm khổ

Nhiều cán bộ thực hiện thủ tục hành chính tại các phường của TP Thủ Đức cho biết, không chỉ người dân phiền hà, mà chính họ cũng thêm khổ với các thủ tục bổ sung. 

Chính các cán bộ, nhân viên này cho biết, họ cũng muốn làm nhanh cho người dân, nhưng có những ngày số lượng quá đông, không giải quyết ngay được, buộc phải hẹn ngày trả. 

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch TP Thủ Đức cho biết, lãnh đạo thành phố cũng nắm rõ tình hình về các thủ tục hành chính đã và đang tồn tại. 

TP Thủ Đức có chỉ thị yêu cầu các phường tăng cường thời gian làm việc để phục vụ người dân tốt hơn. Ảnh: Hồ Văn

Theo đó, thành phố đã đưa ra các giải pháp để phục vụ người dân tốt hơn và nhanh nhất có thể trong các thủ tục hành chính như yêu cầu các phường tăng cường thời gian làm việc.

Về giấy xác nhận cư trú, thành phố đã giảm bớt được thủ tục này trong việc xác định các thông tin liên quan đến tình trạng hôn nhân. Hiện nay người dân đi xác nhận thông tin không còn cần đến giấy xác nhận nơi cư trú, vì đã liên thông được với các đơn vị có liên quan. 

Cũng theo ông Hoàng Tùng, với hiệu quả liên thông trong thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, thành phố đang nghiên cứu để áp dụng cho các thủ tục hành chính khác. 

“Trong khả năng và thẩm quyền của mình, thành phố cố gắng giải quyết nhanh nhất các thủ tục cho người dân. Còn những vướng mắc vượt thẩm quyền, thành phố sẽ báo cáo, đề xuất, kiến nghị lên cấp trên để có những giải pháp hữu hiệu, nhằm phục vụ người dân hiệu quả hơn, giảm bớt sự phiền hà”, ông Hoàng Tùng cho hay. 

Kỳ 3: Dân xin giấy xác nhận cư trú, phải chờ xác minh từ nơi đã thường trú