Báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 115/2020 của Bộ Công Thương đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, một số giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ thuộc về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 Bộ Công Thương đề xuất, Bộ Tài nguyên và môi trường cần bổ sung, hoàn thiện các chính sách ưu đãi về đất đai và hỗ trợ xử lý các vấn đề về môi trường đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

Khâu nhuộm vải thường gây ô nhiễm môi trường (ảnh: Văn Quý)

 Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2022 về quy định thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên nguyên tắc ràng buộc trách nhiệm các doanh nghiệp nhập khẩu đối với việc xử lý các sản phẩm thải bỏ của ngành điện tử, ô tô... theo hướng nộp kinh phí xử lý sản phẩm thải bỏ khi nhập khẩu và được hoàn trả sau khi hoàn thành nghĩa vụ xử lý sản phẩm thải bỏ; 

 Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và môi trường cần trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo hướng hỗ trợ các dự án dệt nhuộm, thuộc da có đầu tư hệ thống xử lý nước thải; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất, nhập khẩu, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông dùng năng lượng tái tạo; sản xuất, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được cấp nhãn sinh thái; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, công nghệ tốt nhất hiện có trong sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, khâu dệt nhuộm, thuộc da là khâu nghẽn của ngành dệt may- da giày. Sự thiếu vắng đầu tư bài bản khiến cho các sản phẩm ngành dệt may- da giày có tỷ lệ nội địa hoá chưa cao. Một nguyên nhân của tình trạng này là do các địa phương chưa mặn mà hỗ trợ và e ngại dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường.

Văn Quý