Mẹ nằm trong chiếc áo quan phủ vải voan trắng, hai bên kết những nhánh phong lan tỏa hương thơm ngát. Bố tôi đứng bên cạnh. Đôi mắt ông thâm quầng, nặng trĩu. 

Lâu lâu, ông lấy chiếc khăn mùi xoa chấm những giọt nước mắt lăn ra từ khóe mi. Niềm tiếc thương của ông trước sự ra đi của vợ khiến ai cũng xúc động.

Nhưng sự xúc động ấy lại khiến ông bà nội tôi nổi giận. Ông không muốn đứa con trai cứng cỏi của mình rơi nước mắt vì người phụ nữ không thủy chung vừa ra đi vì bệnh máu trắng. Ông bà ghét cay ghét đắng mẹ tôi.

Và nếu không có bố, có lẽ tôi và mẹ đã không thể cùng sống nhau dưới mái nhà có bể bơi cùng căn phòng chất đầy những đồ chơi đắt tiền. 

Tôi không phải là giọt máu của bố.

Năm tôi lên 6, ông bà nội áp lực, bắt bố mẹ phải sinh thêm con trai. Ông bà không muốn gia sản một đời gầy dựng rơi vào tay đứa cháu rể không cùng dòng máu.

Vì không kế hoạch mà mãi không có thai, bố mẹ tôi quyết định đến bệnh viện kiểm tra. Thật trớ trêu, các kết quả cho thấy bố tôi vô sinh bẩm sinh.

Cầm tờ kết quả trên tay, bố tôi chết lặng. Ông đau đớn tột cùng. Trong phút chốc, ông hứng chịu cùng lúc 2 nỗi đau: không được làm cha, bị vợ lừa dối đến mức nuôi con của người khác.

Bố đã cho tôi thêm một tình yêu thương khác lạ và thật đặc biệt. Ảnh minh họa

Ngày biết tôi không phải là giọt máu của bố, ông bà nội tôi sốc nặng. Ông bà gọi mẹ tôi ra giữa nhà để tra khảo, chì chiết bằng những lời lẽ cay nghiệt nhất. 

Họ muốn biết tôi là "dòng giống của ai", mẹ tôi đã "lang chạ, bôi tro trát trấu vào dòng họ" nhà ông bà tự bao giờ?

Lúc ấy, mẹ tôi quỳ gối trên nền đá hoa cương lạnh ngắt. Bên cạnh, bố tôi cũng quỳ, cúi đầu như kẻ đồng phạm. 

Thời trai trẻ, bố tôi yêu mẹ hơn tất cả những gì ông có. Tình yêu của ông dành cho mẹ tôi lớn đến nỗi, ông thà ở lại Việt Nam để theo đuổi bà chứ không chịu xuất ngoại học lên tiến sĩ.

Dẫu vậy, đối với bố, trái tim mẹ tôi hoàn toàn nguội lạnh. Bà đã trót yêu và dành trọn tình cảm cho anh thợ sửa đàn mandolin. 

Cả hai tưởng đã cưới nhau nếu như bố tôi không xuất hiện. Ông bà ngoại tôi áp lực, buộc mẹ phải cưới bố tôi như một cách cám ơn ông vì đã thay mình trả những món nợ khổng lồ.

Về nhà chồng, dẫu không yêu bố nhưng mẹ tôi vẫn luôn giữ trọn đạo làm dâu, làm vợ. Bố tôi vẫn biết mẹ còn thương nhớ người cũ nên hết mực yêu chiều.

Ông hy vọng tấm chân tình của mình sẽ khiến mẹ dần quên đi anh sửa đàn nơi xóm cũ. Thế mà chỉ một lần gặp lại nhau sau 2 năm đi lấy chồng, mẹ tôi lại ngã vào lòng anh thợ sửa đàn.

Tôi là kết quả của phút yếu lòng duy nhất ấy của mẹ. Ngày bị bố mẹ chồng tra khảo, mẹ tôi kể lại câu chuyện trên trong nước mắt.

Nhưng những giọt nước mắt ấy không làm vơi dịu cơn thịnh nộ, uất ức của ông bà nội tôi. Cả hai yêu cầu bố tôi chấm dứt cuộc hôn nhân oan trái. Mẹ và tôi không được ở lại trong ngôi nhà này.

Bố tôi nghe xong cũng khóc. Sau ít phút nghĩ suy, ông dìu mẹ tôi đứng dậy. Ông cúi đầu xin phép cha mẹ để được nói chuyện với mẹ tôi.

Ông nói: “Sau hôm nay, sẽ không còn ai trong gia đình nhắc đến chuyện này. Em vẫn sẽ là vợ anh, Linh vẫn sẽ là con của chúng ta nếu em quên đi anh ta, nếu em chỉ sống vì con và gia đình này”.

“Còn nếu không, em cứ ra đi. Anh luôn trọng quyết định của em. Nhưng nếu em chọn lựa chọn này, hãy để anh được chăm sóc, nuôi dạy con cùng với cha ruột của bé”.

Lúc ấy mẹ tôi chỉ biết khóc rồi ôm lấy bố tôi. Sau cùng, bà không chơi đàn mandolin nữa. Bà cũng xin nghỉ việc ở nhạc viện để ở nhà chăm sóc chồng, con.

Và sau đó, bố cho tôi đến thăm, chơi cùng ông thợ sửa đàn. Vào dịp sinh nhật, lễ, Tết, tôi luôn có 2 món quà đặc biệt. Bên ngoài một trong 2 món quà này luôn dán hình ảnh chiếc đàn mandolin.

Cho đến tận bây giờ, bố tôi và ông thợ ấy vẫn giữ mối quan hệ bạn bè tốt đẹp. Tôi luôn biết ơn bố. Nhờ ông, tôi có thêm những tình yêu thương thật khác, thật đặc biệt từ ông thợ sửa đàn.

Tôi vẫn nhớ lời ông nói với tôi năm tôi 18 tuổi. “Bố của con không phải là người cha vĩ đại như con nghĩ đâu. Bố vẫn ích kỷ khi ước ao con là giọt máu của mình, là con của chỉ mình bố thôi”.

“Thế nhưng, ở đời không phải lúc nào ta cũng có được điều mình muốn. Sau cùng, bố chỉ muốn con có được tình yêu trọn vẹn và biết được nguồn cội của mình”.

Bây giờ, mỗi dịp Ngày của cha, tôi đều nhớ như in lần bố dẫn tôi đến gặp ông thợ sửa đàn. Đó là lần đầu tiên tôi biết mình có đến 2 người bố. Cũng như bố, "ông thợ sửa đàn" cho mẹ tôi ngày nào không bao giờ đòi hỏi, thúc ép tôi chọn lựa phải về sống với ai. 

Ông và bố tôi đều để tôi tự do sống với tình cảm của mình. Tôi có thể thoải mái đến ở, thăm, chăm sóc hai người bất cứ lúc nào. Mỗi lúc buồn, bế tắc trong cuộc sống, hai người vẫn ở bên và cho tôi những lời khuyên bằng chính những trải nghiệm của mình. 

Đến bây giờ, tôi mới cảm nhận hết tình yêu thương và sự hy sinh của bố dành cho mình. Tình yêu thương và sự hy sinh ấy không chỉ cho tôi cuộc sống vật chất đủ đầy mà còn giúp tôi có 2 người cha.

Tôi vẫn hay tự hào và khoe với chúng bạn rằng mình có đến hai "ngọn núi Thái Sơn" nên sẽ chẳng bao giờ cô đơn hay sụp đổ.

Độc giả N.S.

Ngày của cha 19/6: Đừng thương cha khi đã muộn

Ngày của cha 19/6: Đừng thương cha khi đã muộn

Có thể cha không hoàn hảo, nhưng với các con, cha luôn là người cha tuyệt vời nhất, luôn dành những điều tốt nhất cho con.
Lời chúc Ngày của Cha hay, ý nghĩa

Lời chúc Ngày của Cha hay, ý nghĩa

Sắp đến Ngày của Cha 19/6, cùng gửi tới bậc sinh thành những lời chúc tốt đẹp nhất để tỏ lòng biết ơn.
Gợi ý quà tặng Ngày của Cha ấn tượng, ý nghĩa

Gợi ý quà tặng Ngày của Cha ấn tượng, ý nghĩa

Ngày của Cha là dịp để mỗi người con tri ân công lao dưỡng dục của cha. Ngoài những lời chúc ấm áp, độc đáo, hãy để ngày này thêm phần vui vẻ bằng các món quà ý nghĩa, ấn tượng dưới đây.