Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (Nguồn ảnh: Zing) |
Chi tiền cho cái xấu tức là giúp cái xấu phát triển
Trong buổi họp để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới tại Bộ TT&TT vào chiều 25/6/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhắc nhiều đến việc phải bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng. Bộ trưởng nói rằng: “Không gian mạng Việt Nam là môi trường sống của chúng ta, của các doanh nghiệp Việt Nam, các đại lý quảng cáo, các doanh nghiệp nền tảng Việt Nam, của báo chí Việt Nam và người Việt Nam. Bởi vậy phải chung tay làm sạch môi trường này, quét rác mỗi ngày. Môi trường này mà sạch thì thương hiệu của các bạn mới sạch. Con cháu chúng ta mới an toàn”.
Với những doanh nghiệp quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các doanh nghiệp nền tảng Việt Nam tuân thủ luật pháp Việt Nam tốt hơn nhiều, vì vậy các doanh nghiệp phải mua quảng cáo nhiều hơn trên các nền tảng Việt Nam. Doanh nghiệp mua quảng cáo trên các nền tảng sạch tức là đã giúp cho đất nước sạch hơn, giúp các công ty sạch phát triển. Mua quảng cáo trên một nền tảng xấu độc là vô hình chung tiếp tay để hại đất nước mình. “Chúng ta chi tiền cho ai, cái gì thì người đó, cái đó sẽ phát triển. Chi tiền cho cái xấu tức là giúp cái xấu phát triển. Chi tiền cho cái tốt là giúp cái tốt phát triển, làm lu mờ cái xấu. Bởi vậy, tương lai Việt Nam có tốt đẹp hay không là do các doanh nghiệp chi tiền vào đâu. Các doanh nghiệp hãy cân nhắc mỗi hành động của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Về việc dọn rác trên hai nền tảng mạng xã hội Facebook và YouTube, Bộ trưởng cho rằng: “Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới nắm trong tay công nghệ, nền tảng, mọi sự là trong tay. Vấn đề là họ có muốn làm hay không thôi”.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục đã gửi công văn tới hơn 100 doanh nghiệp, nhãn hàng của Việt Nam để cảnh báo về việc nhãn hàng, thương hiệu của họ xuất hiện quảng cáo trong các clip có nội dung độc hại, nội dung chống phá nhà nước trên YouTube.
Thời gian gần đây, qua các công cụ rà quét, Cục phát hiện được 55.000 clip có nội dung xấu độc, trong đó YouTube đã phối hợp gỡ hơn 8.000 clip. Tuy nhiên, việc xử lý của YouTube rất chậm chạp và thụ động, chỉ khi cơ quan quản lý nhà nước thông báo họ mới gỡ mà cũng không gỡ ngay, có khi còn tranh luận mãi. Biện pháp phối hợp gỡ các nội dung xấu độc không hiệu quả do trong 1 giờ thế giới có tới hàng ngàn video mới, vừa gỡ video này thì có hàng chục video có nội dung xấu độc khác lại được up lên. YouTube cũng chỉ gỡ link vi phạm mà không gỡ kênh, do đó các kênh có nội dung xấu tiếp tục tồn tại và phát tán các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Shopee, Yamaha bức xúc khi bị gán quảng cáo trên nội dung xấu độc
Tại cuộc họp, đại diện các nhãn hàng có quảng cáo gán vào những clip có nội dung phản động trên YouTube đều tỏ ra rất bức xúc khi hình ảnh banner quảng cáo của họ bị gán trên các nội dung độc hại.
Đại diện Shopee cho biết, việc chạy quảng cáo được Shopee thông qua đối tác là các agency (đại lý quảng cáo) thực hiện, Shopee không hay biết quảng cáo của mình lại xuất hiện trong các nội dung không lành mạnh. Bởi thế khi nhận được thông báo của Bộ TT&TT, Shopee rất ngạc nhiên. Ngay sau đó Shopee đã làm việc với các đối tác và doanh nghiệp liên quan để chặn. Đại diện Shopee đề xuất, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo trên nền tảng của YouTube, do đó rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước và của chính YouTube để làm sao không xảy ra việc xuất hiện quảng cáo trên các nội dung xấu độc.
Đại diện Yamaha cũng cho hay, từ năm 2017 khi Bộ TT&TT có cuộc họp đầu tiên với các doanh nghiệp về vấn đề quảng cáo trên YouTube, Yamaha đã tiếp thu ngay và làm việc trực tiếp với đại lý quảng cáo yêu cầu ngăn chặn quảng cáo trên các nội dung xấu độc trên. Yamaha rất ủng hộ chủ trương một doanh nghiệp nước ngoài đến kinh doanh ở Việt Nam phải thượng tôn pháp luật Việt Nam.
“Gần đây, sau khi được Bộ TT&TT nhắc nhở, Yamaha đã làm việc với agency để ngăn chặn các quảng cáo trên nội dung xấu độc trên YouTube, rà soát các quảng cáo, lọc được tất cả quảng cáo trên nội dung xấu độc, chỉ khi nào làm sạch được thì mới tiếp tục quảng cáo trên YouTube”, đại diện Yamaha nói.
Agency không thể kiểm soát được việc quảng cáo xuất hiện ở nội dung xấu độc trên YouTube
Theo đại diện của công ty WPP - công ty quảng cáo chiếm hơn 50% thị phần quảng cáo trên truyền thông tại Việt Nam, WPP luôn tuân thủ và ủng hộ các chính sách quy định của Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quản lý nội dung quảng cáo.
Tuy nhiên, đại diện WPP cũng nêu khó khăn là ở góc độ một đại lý, WPP không được sở hữu, kiểm soát, ngăn chặn các nội dung xấu trên YouTube. Các đại lý như WPP chỉ tư vấn cho khách hàng và thay mặt khách hàng đặt quảng cáo trên các nền tảng. Khách hàng của WPP bị xuất hiện quảng cáo bên video xấu độc thì ngay WPP cũng không kiểm soát được, mà chỉ có thể làm việc với Facebook, Google để giải quyết. Hiện nay, WPP chỉ có thể chọn một trong hai cách, đó là phối hợp với Facebook, Google để ngăn chặn quảng cáo của khách hàng xuất hiện trên các nội dung vi phạm, đồng thời yêu cầu hai nền tảng xuyên biên giới có phương án quản lý chặt chẽ hơn. Còn nếu Facebook và Google không thể ngăn chặn thì WPP sẽ phải tính chuyện tìm một nền tảng khác để tư vấn cho khách hàng đặt quảng cáo trên đó.