Trao đổi với VietNamNet về dự thảo luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi đang được QH thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, việc sửa luật lần này tập trung vào 4 vấn đề lớn.
Thứ nhất, tách bạch giữa công chức và viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công. Những người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập từ cấp tỉnh hoặc các đơn vị trực thuộc bộ ngành TƯ không còn là công chức mà chuyển sang chế độ viên chức.
Những người được cử đại diện tham gia quản lý trong các DNNN sẽ được tách biệt giữa quản lý nhà nước với quản trị kinh doanh.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Minh Đạt |
Việc này không áp dụng đối với những đơn vị sự nghiệp cơ bản phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước, lãnh đạo những đơn vị này vẫn là công chức.
Thứ hai, liên thông giữa công chức cấp xã, cấp huyện trở lên và người làm việc trong DNNN, hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp, nếu đủ điều kiện là công chức thì khi chuyển đổi công tác về cơ quan hành chính nhà nước không phải thi vào công chức.
Người trước đây đã là công chức được biệt phái hoặc chuyển công tác qua các đơn vị sự nghiệp khi quay trở lại vẫn là công chức, không cần phải thi tuyển lại.
Thứ ba, hợp đồng với viên chức xưa nay thực hiện không thời hạn giống như biên chế công chức thì lần này phải chuyển sang hợp đồng có thời hạn, trừ vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra còn có phương án khác, sau khi viên chức đã thử việc xong thì thực hiện chế độ hợp đồng trong khoảng thời gian nhất định. Sau đó, nếu các viên chức này đủ điều kiện thì cho tiếp tục hợp đồng dài hạn. Tức là có thời hạn nhưng chỉ là thời hạn bước đầu.
Chính phủ chọn phương án “bỏ biên chế suốt đời” đối với viên chức, chỉ thực hiện theo hợp đồng có thời hạn.
Thứ tư là kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, hiện nay đang thực hiện khác với hình thức xử lý trong Đảng cả về hình thức và thời hiệu, thì lần này xác định hình thức xử lý kỷ luật cho tương ứng.
Thời hiệu cũng phải phân định ra, không phải 24 tháng nữa mà có thể 2 năm, 5 năm, 10 năm theo mức độ vi phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, để có hình thức xử lý cho phù hợp trong thời gian tới.
Nhiều ĐBQH băn khoăn về việc dự thảo luật bỏ hình thức kỷ luật giáng chức. Chẳng hạn, Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Hoàng Văn Trà cho rằng: “Giám đốc sở bị kỷ luật xuống chuyên viên thì hơi phí”. Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Về việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại biểu để có thống kê, phân tích rõ.
Mục tiêu của việc này là làm sao để các hình thức kỷ luật của nhà nước có sự tương đồng với hình thức kỷ luật của Đảng. Hiện kỷ luật bên Đảng không có hình thức giáng chức.
Nếu để hình thức kỷ luật này thì dễ xảy ra tình trạng nương nhẹ, thay vì bị cách chức lại giảm xuống giáng chức.
Hiện nay, số lượng cấp phó bị khống chế số lượng tối đa, nếu giáng chức từ cấp trưởng xuống cấp phó sẽ làm dư số lượng cấp phó. Vì vậy cần nghiên cứu hài hòa, đảm bảo vi phạm đến đâu, xử lý đến đó cho thật phù hợp để tránh tình trạng lợi dụng áp dụng hình thức nhẹ hơn.
Còn nói cách chức là mất hết thì tôi nghĩ không phải. Khi bị cách chức xuống vị trí khác, sau 1 năm, nếu họ khắc phục các vi phạm thì vẫn được xem xét, đánh giá quy hoạch, bổ nhiệm lại một cách bình đẳng.
Lương công chức sẽ tăng
Việc sửa đổi luật Cán bộ, công chức lần này liệu có khắc phục được tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thưa Bộ trưởng?
Trong giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức có đủ năng lực thực thi công vụ, phục vụ nhân dân và DN, dự luật lần này quy định chặt hơn về chất lượng đầu vào của công chức.
Trong nghị quyết 26 của TƯ cũng quy định, thi tuyển công chức hoặc tuyển dụng công chức tới đây sẽ sửa đổi bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển những trường hợp đặc biệt nhưng với tinh thần hết sức chặt chẽ về chất lượng đầu vào.
Cùng với đó là khống chế bằng việc giảm tỷ lệ biên chế ở các địa phương, mỗi giai đoạn 5 năm là 10% để có sự sàng lọc. Đồng thời thực hiện theo đề án vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm.
Lần này kết hợp giữa cơ cấu tổ chức lại bộ máy với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện tiền lương mới, chắc chắn chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức sẽ được nâng lên và tương ứng là thu nhập sẽ ngày càng tăng.
Trong kế hoạch triển khai đề án Văn hóa công vụ, Bộ có đề cập đến việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về văn hóa công vụ trong luật Cán bộ, công chức, luật Viên chức. Vậy dự thảo có đề cập đến việc “công chức không được nịnh bợ cấp trên vì động cơ không trong sáng”?
Có những quy định thể chế hóa bằng cách khác chứ không đưa vào luật.Việc này cũng vậy, không thể đưa vào luật được.
Giám đốc sở bị kỷ luật một phát xuống chuyên viên thì rất phí
Một Giám đốc sở vi phạm vượt mức cảnh cáo nhưng chưa đến mức cách chức, nếu bỏ hình thức “giáng chức” sẽ xuống làm chuyên viên ngay rất phí.
Thu Hằng