- Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Nội vụ cho biết: Vẫn còn một số bộ ngành, địa phương chưa quyết liệt, ngại va chạm nên chậm xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tính đến cuối tháng 11/2016, đã có 39 lượt bộ, ngành và 121 lượt địa phương đề nghị thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2017 với tổng số 18.839 người.
Trong đó, các cơ quan đảng, đoàn thể 789 người; cơ quan hành chính 2.342; đơn vị sự nghiệp công lập 12.041; cán bộ, công chức cấp xã 3.553; doanh nghiệp nhà nước 114.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Hoàng Anh |
“Kết quả trên góp phần nâng cao chất lượng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, tuyển chọn được những người có trình độ chuyên môn cao hơn phù hợp với yêu cầu và vị trí công việc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Yêu cầu giải trình hơn 4.300 trường hợp
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ cũng lưu ý, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, ngại va chạm, né tránh nên việc xây dựng đề án, kế hoạch tinh giản biên chế thực hiện chậm. Một số địa phương chưa xây dựng đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, chưa xác định rõ được những người trong diện phải tinh giản.
Một số bộ, ngành, địa phương chỉ tập trung tinh giản biên chế mà không chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng về trình tự, thủ tục và đối tượng tinh giản biên chế theo quy định.
“Bộ Nội vụ đã yêu cầu giải trình, không thống nhất hoặc không thẩm tra đối với 4.314 trường hợp. Đa số các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm việc báo cáo số liệu tinh giản biên chế”, Bộ trưởng Nội vụ cho hay.
Cuối năm 2016, Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt quyết định giao biên chế năm 2017 cho các ngành, địa phương trên cơ sở giảm 1,5% so với năm trước.
“Bộ Nội vụ xác định việc thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế đến năm 2021 hết sức khó khăn. Điểm mấu chốt là phải tiến hành đồng bộ với các hoạt động cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách mạnh khu vực dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp công”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
6 nội dung trọng tâm
Bộ trưởng Nội vụ đặt ra 6 nội dung trọng tâm yêu cầu cần thực hiện tốt để thực hiện tinh giản biên chế có hiệu quả.
Thứ nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện. Bảo đảm nguyên tắc Bộ Chính trị quy định quản lý thống nhất biên chế của cả hệ thống chính trị…
Thứ 2, tinh giản biên chế phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đi đôi với cải cách tiền lương và đổi mới tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị.
Tỷ lệ tinh giản biên chế được xác định theo từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với thực tế chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ 3, tập trung rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước.
Tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì. Chuyển một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước không cần thiết trực tiếp thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả sang các tổ chức ngoài nhà nước đảm nhận.
Rà soát, sắp xếp kiện toàn mô hình tổ chức của bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; xóa bỏ các tổ chức trung gian. Hợp nhất các vụ, tổng cục, cục, chi cục, không để cấp phòng trong các đơn vị tham mưu thuộc các cơ quan trung ương.
Thứ 4, các bộ, ngành tập trung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực. Các địa phương rà soát, sắp xếp lại: các đơn vị sự nghiệp công lập; các trường, lớp bảo đảm bố trí đủ sĩ số học sinh trên lớp theo các cấp học, bậc học; các đơn vị sự nghiệp y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đúng quy định.
Thứ 5, đẩy mạnh xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công lập, phân cấp mạnh hơn nữa, giao quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình. Từ đó, tiến tới tự chủ chi thường xuyên và tự chủ hoàn toàn, hoạt động như doanh nghiệp.
Việc phân cấp thẩm quyền quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải được thực hiện theo điều kiện, quy trình, thủ tục rõ ràng và gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm không tư nhân hóa. Chính phủ cần chuyển các loại phí thành giá để các đơn vị tự hạch toán, nâng cao chất lượng phục vụ, từng bước xoá bao cấp.
Thứ 6, xác định tinh giản biên chế là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi đơn vị, quyết liệt xây dựng các giải pháp phù hợp với điều kiện từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% so với tổng biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2015.
Lương, tiền, bộ máy...vòng luẩn quẩn gỡ được không?
Cải cách lương, nhưng tiền đâu, mà bộ máy lớn thế này thì phải thu nhỏ lại đã, cán bộ, công chức đông thế này thì phải giảm đã, nếu không thì tiền thuế của dân cũng không nuôi nổi…
'Bộ máy cồng kềnh dân è cổ nuôi'
"Dân nộp thuế cho ta ngồi đây. Bộ máy cồng kềnh thế này dân è cổ nuôi, làm việc không hiệu quả thì có lỗi với dân. Cái gì giờ cắt được thì mạnh dạn cắt".
Loại kẻ lười biếng khỏi bộ máy
1,25 triệu USD là tổng số vốn cho dự án Hỗ trợ cải cách chế độ công vụ, công chức Việt Nam, triển khai trong 2 năm 2015-2016.
Thu Hằng