Sáng 17/10, Học viện Hành chính Quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) 2023 với chủ đề “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”. 

Đặt ra những thách thức đối với quản trị công

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận định, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với không ít hệ lụy trong thời kỳ hậu đại dịch, tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững. 

Do đó, việc lựa chọn vấn đề quản trị công với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là chủ đề chính của hội nghị cho thấy vai trò, trách nhiệm của EROPA trước các vấn đề cần giải quyết của khu vực và toàn cầu.

phamthithanhtra1.jpg
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: V.Đ

Chia sẻ một số nội dung quan trọng, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, trong đại dịch Covid-19 đã cho thấy những hạn chế của quản trị toàn cầu. Vì vậy quản trị công được kỳ vọng cần phải có đủ năng lực xử lý khủng hoảng, kiến tạo mô hình quản trị quốc gia hiệu quả. Cùng với quản trị toàn cầu, quản trị quốc gia ở mỗi quốc gia cần phải thực sự là bệ phóng, đòn bẩy dẫn dắt cho sự phát triển. 

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý, những biến đổi, diễn biến phức tạp của đời sống quốc tế một lần nữa cũng đặt ra những thách thức đối với quản trị công cả về lý luận và thực tiễn.

“Quản trị công trong thời đại ngày nay phải thực sự là quản trị phát triển, có khả năng kiến tạo các viễn cảnh và tìm ra con đường để đi đến viễn cảnh tươi sáng đó. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Để kiến tạo phát triển bền vững, Bộ trưởng cho rằng, vai trò của nền quản trị công, nền công vụ ở mỗi quốc gia cần được khẳng định và thể hiện đầy đủ hơn; nền công vụ phải trở thành một nhân tố trung tâm của các nỗ lực phát triển bền vững. 

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, cải cách công vụ đã trở thành xu thế, nội dung trọng tâm trong đổi mới quản trị công ở mọi quốc gia như một giải pháp cho phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.

Nền công vụ của quốc gia phải thực sự là động lực cho phát triển

Nêu thực tiễn từ nước nhà, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, sự nỗ lực của nền công vụ, nền quản trị công ở Việt Nam đã được ghi nhận bằng thành tựu duy trì tăng trưởng tốc độ trong giai đoạn dài và năm 2022, Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng 8,02%. 

Năm 2023, điều kiện phát triển toàn cầu có không ít khó khăn làm cho kinh tế của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Nhưng những dự báo của các tổ chức kinh tế có uy tín, tăng trưởng trong năm 2023 của Việt Nam vẫn rất khả quan ở mức trên 5%.

Điều đáng ghi nhận là giá trị tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và môi trường sinh thái, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. 

congvu.jpg
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các cơ quan ngoại giao của 9 thành viên cấp quốc gia thuộc EROPA cùng khoảng 300 đại biểu quốc tế và 200 đại biểu là các học giả, các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành trong nước, lãnh đạo, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia. 

“Thành tựu tăng trưởng ấn tượng đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó có sự đóng góp của nền công vụ. Từ thực tiễn Việt Nam cho thấy, để thúc đẩy phát triển bền vững, nền công vụ của quốc gia phải thực sự là động lực cho phát triển. Tư duy phát triển bền vững trước tiên phải được thể hiện trong hoạt động công vụ”, Bộ trưởng Nội vụ phân tích.

Bà cũng chỉ rõ, đó là nền công vụ xanh với năng lực kiến tạo thể chế phát triển xanh về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường; kịp thời phản ứng chính sách trong thách thức, khó khăn phát sinh liên tục và biến động nhanh chóng từ thực tiễn.

Vai trò của quản trị công phải khơi dậy được mọi tiềm năng, sức mạnh nội lực và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phục hồi và phát triển bền vững đất nước...

Tổng thư ký EROPA, Tiến sỹ Alex Brillantes Jr đồng tình với những chia sẻ của Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam về những thách thức, nguy cơ, mối đe dọa về sự sinh tồn do biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi được truyền cảm hứng từ Bộ trưởng và sự quyết tâm của Việt Nam trong giải quyết các thách thức này”, Tổng thư ký EROPA nói.

Ông cũng bày tỏ đồng tình với việc phải thay đổi cách tư duy để thực hiện các yếu tố phát triển bền vững của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà.

Tiến sỹ Alex Brillantes Jr cho hay, hội nghị nhận được gần 150 nghiên cứu, báo liên quan tới phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội, đổi mới quản trị công, xây dựng năng lực quản trị công, phù hợp với năng lực của các viện nghiên cứu, các cơ quan.

“Chắc chắn đây là cánh cửa dẫn đến nhiều cơ hội hơn để chúng ta sáng tạo tri thức hướng tới phát triển bao trùm”, Tổng thư ký EROPA bày tỏ.

EROPA chính thức thành lập năm 1960 gồm thành viên từ các quốc gia, các tổ chức và cá nhân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong đó có 10 thành viên cấp nhà nước, 58 thành viên là các viện, học viện các trường, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản trị nhà nước và hành chính công. Ngoài ra, EROPA còn có 229 thành viên tham gia với tư cách cá nhân.

Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam trở thành thành viên cấp nhà nước của EROPA từ năm 1991.

Hội nghị EROPA 2023 diễn ra dưới hình thức các phiên khai mạc và bế mạc toàn thể và các phiên họp với các tiểu chủ đề:

Tiểu chủ đề 1: Thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: những vấn đề đặt ra và yêu cầu đổi mới quản trị công. 

Tiểu chủ đề 2: Đổi mới quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Tiểu chủ đề 3: Xây dựng năng lực quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.